Thực hiện cam kết của Việt Nam tại hội nghị COP26, Quy hoạch điện VIII đang được điều chỉnh đúng hướng theo lộ trình giảm tỉ trọng điện than và nâng tỉ trọng năng lượng tái tạo (NLTT) nhằm giảm phát thải khí gây ô nhiễm môi trường, hướng tới xây dựng ngành năng lượng bền vững. Tuy nhiên, vấn đề được nhiều chuyên gia đặt ra hiện nay là, cơ chế nào để thu hút đầu tư vào năng lượng tái tạo?
Được đánh giá là quốc gia giàu tiềm năng về năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió…) nhưng việc khai thác nguồn năng lượng này ở Việt Nam vẫn chưa tương xứng. Nguyên nhân chủ yếu là các rào cản liên quan tới cơ chế chính sách, tổ chức thực hiện… đã hạn chế việc triển khai các dự án năng lượng tái tạo để đưa nguồn điện vào sử dụng trên thực tế.
Do đó, theo các chuyên gia, đây là thời cơ để Việt Nam thực hiện quyết tâm chuyển đổi năng lượng theo hướng xanh, sạch, bền vững một cách mạnh mẽ. Cần nhìn nhận, trong vài năm qua, nhờ các cơ chế khuyến khích của Thủ tướng Chính phủ, năng lượng tái tạo tại Việt Nam đã có những phát triển vượt bậc. Cụ thể, theo số liệu từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tổng công suất nguồn năng lượng tái tạo lắp đặt tính đến ngày 31/10/2021 đạt 20.644MW.Trong đó, thủy điện chiếm 29,60%; năng lượng mặt trời là 22,57%; năng lượng gió là 5,16%. Qua đó cho thấy tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam là rất lớn với dư địa dồi dào.
Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) đã nêu rõ tầm quan trọng của việc đa dạng hóa nguồn năng lượng, chú trọng phát triển các nguồn năng lượng sạch, NLTT, nâng tỷ lệ NLTT trong tổng tiêu thụ năng lượng sơ cấp tăng lên hơn 32% vào 2030 và sẽ đạt khoảng 44% vào 2050.
Với nền tảng đang có và sự khuyến khích của Chính phủ cùng cơ chế chính sách giá mới, Việt Nam đang đứng trước cơ hội chuyển dịch cơ cấu năng lượng mà trong đó, nguồn năng lượng tái tạo là xu hướng tất yếu cho sự phát triển bền vững trong tương lai.
Thực tế, thời gian qua, nhờ thông qua các cơ chế khuyến khích được Chính phủ ban hành đã tạo động lực thu hút mạnh mẽ vốn đầu tư từ doanh nghiệp trong nước và nước ngoài vào lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Chính sách khuyến khích đầu tư phát triển NLTT ở Việt Nam, đặc biệt là các quyết định về giá mua điện mặt trời và điện gió tại Quyết định 11/2017/QĐ-TTg ngày 11 tháng 4 năm 2017 và Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 6 tháng 4 năm 2020, Cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg và được sửa đổi bổ sung tại Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg đã mở ra xu hướng mới trong đầu tư phát triển nguồn điện ở Việt Nam.
Theo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, để tạo điều kiện thu hút các thành phần kinh tế có điều kiện tham gia phát triển lĩnh vực năng lượng, hiện Bộ Công Thương đang tiến hành nghiên cứu, sửa đổi Luật Ðiện lực để có cơ sở thực hiện xã hội hóa hoạt động truyền tải điện, nhằm tháo gỡ nút thắt quan trọng trong hạ tầng năng lượng. Đồng thời, Bộ Công thương tiếp tục nghiên cứu, đề xuất Chính phủ cơ chế, chính sách khuyến khích thu hút vốn đầu tư tư nhân phát triển nguồn điện NLTT giai đoạn tới như: Cơ chế mua bán điện trực tiếp, cơ chế đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư…
Theo chuỗi Hội thảo IEREA2021 từ kinh nghiệm của các quốc gia phát triển năng lượng tái tạo như Đan Mạch, Ấn Độ, Đức, Hoa Kỳ và Anh Quốc, một số cơ chế được đề xuất sử dụng tại Việt Nam bao gồm: cơ chế đấu thầu, sự tham gia chặt chẽ của chính quyền các cấp địa phương, …
Nền công nghiệp năng lượng tái tạo non trẻ của Việt Nam đang đứng trước ngã rẽ quan trọng để chuyển qua giai đoạn phát triển tiếp theo. Chính vì vậy, IEREA 2021, với tinh thần “Chia sẻ là yêu thương” (Sharing is caring), là cầu nối mang nhiều người bạn chân thành đến với Việt Nam, để hỗ trợ nền công nghiệp năng lượng tái tạo Việt Nam, để không chỉ chia sẻ những thành công, mà quan trọng hơn, là thẳng thắn thảo luận những sai lầm trên chặng đường phát triển của các quốc gia khác nhau trên thế giới.
Xem chi tiết: IEREA 2021 – Buổi chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về xác định giá điện mặt trời và giá điện gió
Theo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, việc thực hiện các cơ chế này tuy sẽ mất nhiều thời gian hơn nhưng sẽ công bằng, minh bạch hơn cho các nhà đầu tư, đảm bảo sự hài hòa, cân đối giữa phát triển các dự án điện năng lượng tái tạo và lưới truyền tải. Xin vui lòng truy cập và theo dõi website https://www.pecc3.com.vn/ để cập nhật thông tin tư vấn xây dựng ngành điện mới nhất.