Sáng ngày 2.12.2021 tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế ICC, Hà Nội đã diễn ra Hội nghị Năng lượng gió Việt Nam – Vietnam Wind Power 2021 do Hội đồng Năng lượng gió Toàn cầu (Global Wind Energy Council) tổ chức. Đại diện PECC3 đã tham gia tham luận với chủ đề “Đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư điện gió – Các bước tiếp theo cho Việt Nam”.
Quyết định 39/2018/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 10/09/2018 (“Quyết Định 39”) sửa đổi Quyết định 37/2011/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 29/06/2011 về cơ chế hỗ trợ phát triển dự án điện gió tại Việt Nam (“Quyết Định 37”) và Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về phát triển các dự án điện năng lượng tái tạo tại Việt Nam (“Dự Thảo Quyết định của Thủ tướng”) hiện tại đang sử dụng định nghĩa “dự án điện gió trên biển” bao gồm cả những dự án điện gió gần bờ và dự án điện gió ngoài khơi, nằm ngoài đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm của đất liền hoặc của đảo thuộc các huyện đảo. Cơ chế giá bán điện cố định (Feed-in-tariff) căn cứ theo Quyết Định 37 và Quyết Định 39 sẽ không còn áp dụng cho các dự án điện gió trên biển có ngày vận hành thương mại từ ngày 01 tháng 11 năm 2021. Vì vậy, các nhà đầu tư dự án điện gió trên biển đang chờ đợi chính sách tiếp theo của Chính phủ Việt Nam.
Tuy nhiên căn cứ theo Dự Thảo Quyết định của Thủ tướng, các dự án điện gió trên biển không thuộc đối tượng áp dụng của Dự Thảo Quyết định của Thủ tướng. Dự Thảo Quyết định của Thủ tướng sẽ chỉ áp dụng cho dự án điện mặt trời nổi, dự án điện mặt trời mặt đất, dự án điện mặt trời mái nhà và dự án điện gió trên bờ. Quy định này được hiểu rằng Chính phủ Việt Nam nhiều khả năng sẽ xây dựng chính sách riêng cho việc đấu thầu các dự án điện gió trên biển và các nhà đầu tư sẽ cần tiếp tục kiên nhẫn chờ đợi.
Việc Dự Thảo Quyết định của Thủ tướng chưa áp dụng cho các dự án điện gió trên biển và tỷ trọng của điện gió trên biển đến năm 2030 trong cơ cấu nguồn toàn quốc theo tính toán cập nhật sau Hội nghị COP26 là 4 GW (tỷ trọng đã tăng 1 GW so với tính toán trước Hội nghị COP26) và hiện tại là 5GW theo số liệu cập nhật mới nhất từ Bộ Công thương, đã thể hiện các tầng sâu phức tạp liên quan đến việc phát triển các dự án điện gió trên biển.
Vì vậy, Việt Nam cần chiến lược biển Việt Nam phù hợp để có thể xây dựng hiệu quả cơ chế đấu thầu dự án điện gió trên biển, ví dụ như vào ngày 11 tháng 2 năm 2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó quy định rõ: “Xây dựng các chính sách hỗ trợ và cơ chế đột phá cho phát triển điện gió ngoài khơi gắn với triển khai thực hiện Chiến lược biển Việt Nam.”
Để xây dựng và hoàn thiện chiến lược biển Việt Nam, việc nghiên cứu chính sách và phản biện chính sách đóng vai trò quan trọng.
Ngày càng nhiều học giả uy tín của Việt Nam tập trung nghiên cứu các vấn đề an ninh năng lượng liên quan đến Chiến lược biển Việt Nam như TS. Đỗ Nam Thắng (cùng các cộng sự) với nghiên cứu “Thành công về điện mặt trời và điện gió của Việt Nam: Hàm ý chính sách đối với các nước ASEAN khác” được đăng trên tạp chí chuyên ngành Energy for Sustainable Development [1] và Thạc sĩ Lê Khánh Công với bài viết “Địa chính trị mới của năng lượng đang dịch chuyển trật tự thế giới” được đăng tải trên Tạp chí Năng lượng Việt Nam.
[2] Chính phủ Việt Nam có thể lắng nghe các ý kiến phản biện từ các học giả Việt Nam, cộng đồng các nhà khoa học và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, cũng như các ý kiến phản biện từ các chuyên gia quốc tế để hoàn thiện Chiến lược biển Việt Nam.
PECC3 đã có các chương trình hỗ trợ nghiên cứu chính sách chuyên sâu, ví dụ như Chuỗi sự kiện trực tuyến Kinh nghiệm quốc tế trong Đấu thầu dự án năng lượng tái tạo 2021 (“IEREA 2021”) [3] do PECC3 và Trung tâm hỗ trợ đấu thầu (Cục quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp tổ chức trực tuyến (từ ngày 17-21/8/2021) để các cơ quan Chính phủ Việt Nam, các nhà hoạch định chính sách và các bên liên quan học hỏi kinh nghiệm quốc tế về đấu thầu dự án năng lượng tái tạo nhằm thiết lập khung pháp lý cho việc đấu thầu dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam.
IEREA 2021 là chuỗi sự kiện kéo dài năm ngày, mỗi ngày tập trung vào kinh nghiệm đấu thầu dự án năng lượng tái tạo từ một quốc gia, bao gồm Đan Mạch (17/8), Ấn Độ (18/8), Vương quốc Anh (19/8), Đức (20/8) và Hoa Kỳ (21/8) với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Đan Mạch tại Hà Nội (với các chuyên gia chính phủ từ Cục Năng Lượng Đan Mạch), Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam, Tổng lãnh sự Vương quốc Anh tại Tp. Hồ Chí Minh (với các chuyên gia chính phủ từ Bộ Thương mại, Năng lượng và chiến lược công nghiệp Anh, Công ty quản lý hợp đồng phát thải thấp và Ủy ban giám sát thị trường điện và khí), Đại sứ quán CHLB Đức tại Việt Nam (với các chuyên gia từ GIZ) và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ (với các chuyên gia chính phủ từ Cục Quản lý Năng lượng Đại dương Hoa Kỳ và các nhà nghiên cứu chính sách hàng đầu thế giới từ Viện năng lượng của Massachusetts Institute of Technology). [4]
Ngày 30/9/2021, chúng tôi tiếp tục tổ chức Buổi chia sẻ trực tuyến kinh nghiệm quốc tế về xác định giá điện mặt trời và giá điện gió (một trong những sự kiện tiếp nối IEREA 2021), tập trung chuyên sâu vào chủ đề xác định và tính toán giá điện mặt trời và giá điện gió. [5]
IEREA 2021, với tinh thần “Chia sẻ là yêu thương” (Sharing is caring), là cầu nối mang nhiều người bạn chân thành đến với Việt Nam, để không chỉ chia sẻ những thành công, mà quan trọng hơn, là thẳng thắn thảo luận những sai lầm trên chặng đường phát triển của các quốc gia khác nhau trên thế giới.
NGUYỄN TUẤN PHÁT (PHÒNG PHÁP CHẾ PECC3)
[1]. Truy cập tại: https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S097308262100096X
[2]. Truy cập tại: https://nangluongvietnam.vn/dia-chinh-tri-moi-cua-nang-luong-dang-dich-chuyen-trat-tu-the-gioi-23878.html
[3]. Truy cập tại website của IEREA: https://event.pecc3.com.vn/
[4]. Truy cập tại: https://nangluongvietnam.vn/khoi-dau-cuoc-doi-thoai-ve-dau-thau-du-an-nang-luong-tai-tao-tai-viet-nam-27393.html
[5]. Truy cập tại: https://www.pecc3.com.vn/ierea-2021-buoi-chia-se-kinh-nghiem-quoc-te-ve-xac-dinh-gia-dien-mat-troi-va-gia-dien-gio/