Công Ty Cổ Phần Tư Vấn Xây dựng Điện 3 - Giải pháp tốt nhất cho lựa chọn tốt nhất
Chọn ngôn ngữ:
cancel
Thứ sáu, 20/08/2021 | Xem bài viết Tiếng Anh

Kinh nghiệm từ Đức trong chuyển đổi cơ chế đấu thầu năng lượng tái tạo

Phiên thứ 4 của Chuỗi hội thảo “Kinh nghiệm quốc tế trong đấu thầu dự án năng lượng tái tạo” (IEREA2021) do PECC3 phối hợp cùng Trung tâm hỗ trợ đấu thầu thuộc Cục Quản lý đấu thầu – Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức đã tiếp tục diễn ra thành công vào 15h chiều ngày 20/08/2021. Với tinh thần “Sharing is caring”, nội dung phiên hội thảo nói về kinh nghiệm của Đức trong đấu thầu dự án năng lượng tái tạo và khả năng áp dụng tại Việt Nam.

IEREA-20210820-01

Mở đầu chương trình, ông Trần Quốc Điền – Phó TGĐ PECC3 – thay mặt cho Ban tổ chức phát biểu chào mừng phiên hội thảo với lời cảm ơn gửi đến đại diện Đại sứ quán CHLB Đức và các chuyên gia của Đức, đồng thời là đại diện các Bộ, Ngành, Hiệp hội và doanh nghiệp Việt Nam tham gia. Từ năm 2009, Chính phủ Đức đã tài trợ cho các nghiên cứu về năng lượng gió tại Việt Nam thông qua Sáng kiến “Khung pháp lý và hỗ trợ kỹ thuật cho điện gió nối lưới tại Việt Nam”. GIZ đã hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thiết lập giá FiT 1 và FiT 2 cho các dự án năng lượng gió. Việc chuyển đổi cơ chế giá FiT thành đấu thầu sẽ mang đến nhiều cơ hội và thách thức cho các bên tham gia, hy vọng rằng hôm nay buổi hội thảo sẽ nhận được nhiều kinh nghiệm quý báu từ Đức. Ông cũng gửi lời cảm ơn đến nhà tài trợ Asia Counsel của phiên hội thảo này.

IEREA-20210820-02

Bà Vũ Quỳnh Lê – Phó Cục trưởng, Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư – tiếp tục đại diện cho phía Việt Nam cảm ơn Đại sứ quán và các chuyên gia Đức. Bà cũng giới thiệu các chủ trương, chính sách của Việt Nam về khuyến khích phát triển NLTT sử dụng giá FiT. Hiện nay, cơ chế giá FiT đã cho thấy một số điểm bất lợi, đặc biệt trong việc thiếu cạnh tranh và chậm cập nhật công nghệ đáp ứng phục vụ thị trường. Thực hiện mục tiêu Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, định hướng phát triển năng lượng tái tạo và phân khúc doanh nghiệp tư nhân, đồng thời trước sự kết thúc hiệu lực giá FiT cho điện mặt trời và điện gió, cơ chế đấu thầu cạnh tranh đã được Thủ tướng chỉ đạo nghiên cứu tại Việt Nam để thay thế cho cơ chế FiT. Bà nhìn nhận CHLB Đức là quốc gia có thành công và kinh nghiệm trong quá trình chuyển đổi cơ chế này và hy vọng sẽ có nhiều thông tin hữu ích cho Việt Nam học hỏi và áp dụng.

IEREA-20210820-3

Ông Weert Börner – Phó Đại sứ đặc trách kinh tế, Đại sứ quán CHLB Đức tại Việt Nam – gửi lời cảm kích đến Ban tổ chức cho buổi thảo luận và chia sẻ nhằm thúc đẩy cơ chế đấu thầu năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Ông chia sẻ đây là xu hướng và thách thức trên toàn thế giới, đặc biệt khi đang đối mặt với biến đổi khí hậu. Năm 2021, Việt Nam và Đức đều phải sản xuất 50% lượng điện quốc gia từ nguồn năng lượng sạch. So với Việt Nam, Đức không có lượng tài nguyên thuỷ điện, mặt trời và gió dồi dào bằng, nên Đức đã cố gắng nỗ lực trong việc đạt được các mục tiêu phân bổ năng lượng. Chính phủ Đức nhìn nhận quá trình chuyển đổi này phải được thực hiện một cách liền mạch, và cơ chế đấu thầu sẽ giúp tăng cường sức cạnh tranh và phát triển công nghệ, tạo ra những thành công hiện tại của Đức trong ngành. Đức đã tạo ra số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ cao gấp nhiều lần so với giai đoạn trước tham gia phát triển các lĩnh vực khác nhau trong ngành năng lượng tái tạo. Ông cho rằng thị trường Việt Nam cần sự hỗ trợ lớn của các cơ quan Nhà nước, đồng thời hợp tác với chính phủ Đức và các doanh nghiệp tư nhân Đức trong việc chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau.

IEREA-20210820-04

Giới thiệu về chương trình đấu thầu dự án năng lượng tái tạo trong Luật năng lượng tái tạo của Đức (EEG), ông Thomas Krohn – Giám đốc chương trình hỗ trợ các dự án năng lượng của GIZ tại Hà Nội – trình bày về quá trình chuyển đổi từ cơ chế giá FiT sang đấu thầu, hệ thống đấu thầu và bài học kinh nghiệm của quốc gia này. Từ năm 2000, trước khi có EEG, chính phủ Đức đã đề ra các nguyên tắc giá FiT được áp dụng đến hiện nay: (1) tất cả dự án NLTT đều có thể đấu nối vào lưới điện quốc gia, (2) ưu tiên phát điện NLTT và (3) chính phủ trợ giá đến 90%. Đến năm 2003, Đức đã ban hành EEG, giá FiT có thời điểm cao lên trong năm 2004 và sau đó giảm dần khi công suất các dự án điện gió và điện mặt trời ngày càng tăng. Năm 2009-2011 Đức điều chỉnh một số nội dung trong luật, bổ sung trợ giá cho điện gió ngoài khơi, song chưa có dự án nào được thực hiện ngoài khơi. Giai đoạn từ năm 2013, giá hỗ trợ của chính phủ ngày càng giảm, riêng dự án điện gió ngoài khơi có tăng nhẹ và đã có một tỷ trọng nhỏ công suất lắp đặt điện gió ngoài khơi trong tổng ngành. Hiện tại, giá FiT của Đức đã ổn định trong khoảng 5-7 cent cho tất cả các công nghệ.

IEREA-20210820-05

Khung cấu trúc của Đức về cơ chế đấu thầu được chia làm 4 phần: (1) nhu cầu đấu thầu theo loại và công suất; (2) cách lựa chọn bên thắng thầu và quy trình đấu thầu; (3) chuẩn hoá các tiêu chuẩn đầu vào và hồ sơ và (4) quản trị rủi ro, tiến độ và biểu giá cho bên bán. Đối với phần (1), ở Đức có 9 nhóm công nghệ với phương án đấu thầu khác nhau, trình bày cụ thể trong video của sự kiện, trong đó các công nghệ mới như điện mặt trời nổi, pin mặt trời, điện mặt trời kết hợp nông nghiệp… sẽ có hỗ trợ giá từ chính phủ. Ở phần (2), ông chia sẻ quy trình chi tiết về đấu giá tại Đức từ việc xác định mức công suất ấn định; chuẩn hoá các hồ sơ giấy phép cần có; thời hạn nộp hồ sơ; kiểm tra giá thầu theo ưu tiên về giá, công suất và ngẫu nhiên; thông báo thắng thầu; nhận đặt cọc và phát triển dự án trong khoảng 2 năm trước khi chính thức nhận trợ giá từ chính phủ. Đối với phần (3) về tầm quy hoạch, ông nhấn mạnh rằng chính phủ Đức quan tâm về quy hoạch đất, quy hoạch không gian khai thác và giấy phép sử dụng. Thời hạn nộp hồ sơ và các loại giấy phép cũng được quy định riêng và cần thực hiện đúng. Nói về phần (4) ông chia sẻ cách thức chính phủ Đức thực hiện trợ giá cho dự án theo giá điện thị trường, và các rủi ro của bên đấu thầu, đơn vị truyền tải và mạng lưới điện quốc gia. Rủi ro được chia làm các loại kỹ thuật đấu nối, quá tải công suất và giá, đặc biệt là các dự án điện gió ngoài khơi. Ở Đức, các bên cần tuân thủ đúng quy trình thủ tục và tiến độ, các mức phạt theo tiến độ được quy định áp dụng chặt chẽ.

IEREA-20210820-06

Ở cuối phần trình bày, ông Thomas rút ra các bài học tại Đức, gói gọn trong 3 nội dung. Thứ nhất, Cộng đồng NLTT tại Đức kết hợp với các tổ chức dân sự được phép đấu giá tối đa 6 tuabin với 16MW với giá cao nhất có được sau vòng đấu giá trước đó. Vì vậy, dù không có nhiều nguồn lực kỹ thuật về đánh giá, khảo sát, nghiên cứu… nhưng hội đồng này thắng hầu hết các dự án tại Đức trong năm 2017 và cơ cấu này đã phải thay đổi vào năm 2018. Thứ hai, điện gió ngoài khơi của Đức gặp nhiều khó khăn về lưới tải, buộc phải xây dựng thêm cơ chế mới để bù lại cho các chi phí tổn thất mà chưa được tính toán rõ ràng với các bên ngay từ đầu. Cuối cùng là tác động kinh tế khi Đức đã giảm được giá hỗ trợ trung bình gấp 4 lần trong giai đoạn thực hiện.

Bài trình bày tiếp theo bởi ông Juan Frias – Trợ lý Trưởng nhóm gió và Chuyên gia tư vấn cao cấp của OWC – với nhiều kinh nghiệm trong tư vấn hồ sơ đấu thầu tại Đức. Ông đưa ra thông tin chi tiết về giai đoạn sử dụng giá FiT tại Đức từ năm 2000 với luật EEG giúp tiết kiệm ngân sách cho chính phủ và các doanh nghiệp khi công nghệ đã sử dụng ổn định. Ngoài các lợi ích như ông Thomas đã trình bày ở trên, khi cơ chế giá FiT bắt đầu tạo ra bất cập trong thị trường như đường truyền bất ổn, hạ tầng quy hoạch không đồng bộ, tranh chấp khu vực sử dụng… Đức đã chuyển sang cơ chế đấu thầu. Đạo luật năng lượng biển từ năm 2017 định hướng việc kết hợp với giá FiT trong giai đoạn đầu và dần chuyển thành đấu thầu toàn bộ các dự án điện gió từ năm 2021. Trong giai đoạn chuyển tiếp này, chỉ năm 2017-2018 đã có 3GW điện được hoàn thành và một số nhà đầu tư không có trợ giá từ chính phủ. Từ năm 2019, khung cơ chế đấu thầu cơ bản được hoàn thành và giá ngày càng giảm khi công suất ngày càng tăng. Về quy hoạch, Đức đưa ra mục tiêu năm 2030 sẽ hoàn thành 7.5GW và năm 2035 sẽ có thêm 13GW công suất điện gió ngoài khơi.

IEREA-20210820-07

Tương tự Đan Mạch, ở Đức cũng có các kiểu đấu giá 1 giai đoạn và 2 giai đoạn, trong đó ưu tiên các quy định về môi trường, đánh giá năng lực gió, địa trắc, địa chất, tài nguyên và sự cạnh tranh của nhà thầu để thực hiện. Điểm quan trọng nhất là kế hoạch đưa ra cần được đồng bộ với phát triển cơ sở hạ tầng, đường dây đấu nối để tránh lãng phí thời gian chờ của toàn hệ thống. Cơ quan quản lý lưới điện liên bang và các cơ quan quản lý nhiệt, khí, đường sắt, khảo sát môi trường biển… phối hợp cùng nhau để xây dựng kế hoạch tổng thể để đồng bộ hoá hệ thống và phân bổ hợp lý, tránh chồng lấn. Với đặc trưng vùng biển nhỏ, Đức có lợi thế sử dụng chung hệ thống truyền dẫn cho điện gió ngoài khơi và chia sẻ chi phí giữa các nhà phát triển dự án. Giai đoạn tiếp theo với mô hình tập trung ở đặc khu kinh tế Biển Bắc, Đức đã đưa ra mục tiêu 20GW điện gió ngoài khơi vào năm 2035 và 40GW năm 2040. Để đạt được các thành công hiện tại, chính Đức chú trọng vào quy hoạch biển và việc xây dựng cơ chế đấu thầu rõ ràng, minh bạch, có tính cạnh tranh cao.
(Một số thông tin khác về biểu giá, khảo sát và chi phí khảo sát được trình bày cụ thể trong video của hội thảo.)

IEREA-20210820-08

Do giới hạn về thời gian, phần trình bày cuối cùng của TS. David Jacobs – Giám đốc IET Consulting (Video) với chủ đề “Đánh giá khả năng áp dụng đấu thầu điện gió tại Việt Nam” cũng sẽ được phát sóng sau trên kênh sự kiện của PECC3.

IEREA-20210820-09

Phiên toạ đàm được điều phối bởi ông Bùi Văn Thịnh – CEO Công ty Phong điện Thuận Bình, Chủ tịch Hiệp hội điện gió & mặt trời Bình Thuận. Ông tóm tắt thực trạng và thách thức ngành NLTT ở Việt Nam, những băn khoăn về giá điện gió sau năm 2021, và mời bà Trần Thị Mỹ Dung đặt câu hỏi cho diễn giả.

IEREA-20210820-10

Bà Trần Thị Mỹ Dung – Trưởng phòng tại Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính: Ông có thể chia sẻ rõ hơn về các tiêu chí và quá trình đánh giá thầu của Đức, cũng như chi phí liên quan khi tham gia chính sách trợ giá? Khác biệt trong biểu giá, chính sách giá trần tại Đức cùng các kiến nghị dành cho Việt Nam?

Ông Thomas Krohn – Giám đốc chương trình hỗ trợ các dự án năng lượng của GIZ tại Hà Nội: Tại Đức thì tiêu chí giá thấp sẽ thắng thầu, nếu có nhiều đơn vị cùng đấu với giá thấp nhất thì đơn vị có công suất bé nhất sẽ thắng thầu, và nếu có nhiều đơn vị cùng có giá và công suất thấp nhất thì chúng tôi sẽ chọn ngẫu nhiên. Doanh nghiệp mất khoảng 500-700 euro để tổ chức đấu thầu, chi phí này đã bao gồm các thủ tục liên quan. GIZ có 4 điều kiện dành cho các thị trường áp dụng cơ chế đấu thầu, gồm: (1) thị trường lớn, (2) tính cạnh tranh cao, (3) khung chính sách hoàn thiện và (4) sự minh bạch về lộ trình phát triển dài hạn. Với tiêu chí (1) thì Việt Nam có thể bắt đầu với 4-5 GW điện gió và 10GW điện mặt trời và thị trường điện mặt trời tại Việt Nam đủ lớn để thử nghiệm. Tiêu chí (2) về sự cạnh tranh, tại Việt Nam cũng có điện mặt trời là phù hợp, còn lĩnh vực điện gió vẫn chưa rõ ràng lắm. Đối với tiêu chí (3) về chính sách, Việt Nam đã có nhiều bước tiến trong chính sách và các quy định, khung pháp lý. Tuy nhiên chúng ta vẫn cần phải chỉnh sửa nhiều để linh hoạt khi thực thi các quy định này. Về lộ trình phát triển dự án (4) thì Quy hoạch điện 8 sắp sửa công bố sẽ cho biết mức công suất Việt Nam cần đạt trong các năm tới. Kiến nghị của tôi là nên có bước đệm để thử bắt đầu đấu giá song song với cơ chế FiT, và có thể bắt đầu với thị trường điện mặt trời trước.

Tổng công suất phải công bố mỗi lần tổ chức đấu thầu là bao nhiêu? Có nên tiến hành quy trình đầy đủ cho các dự án hàng chục đến hàng trăm MW hay không?

Ông Thomas Krohn – Giám đốc chương trình hỗ trợ các dự án năng lượng của GIZ tại Hà Nội: Quy hoạch phát triển điện quốc gia sẽ có một mức tổng công suất cần có và dựa trên số vòng đấu thầu được tổ chức thì chúng ta có thể chia số công suất đó ra và công bố theo từng vòng. Về cơ bản mỗi dự án cần được cấp phép, quy hoạch, lên kế hoạch từ sớm ở cả cấp trung ương lẫn địa phương, sau đó là hàng loạt quy trình kiểm tra và cân nhắc nên nếu các dự án nhỏ thì sẽ phát sinh cồng kềnh trong hệ thống.

Làm thế nào để quyết định mức công suất cho từng công nghệ khác nhau (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối…) và trách nhiệm đó thuộc về chính phủ hay các cơ quan, tổ chức độc lập? Đối với điện gió trên bờ và ngoài khơi thì sẽ tổ chức đấu thầu theo nhóm các dự án hay theo từng dự án cụ thể? Giá thầu được trao có áp dụng trong 20 năm hay không?

Ông Thomas Krohn – Giám đốc chương trình hỗ trợ các dự án năng lượng của GIZ tại Hà Nội: Với luật EEG mới nhất của Đức thì Quốc hội sẽ thống nhất sản lượng cần sản xuất theo các mốc của giai đoạn, như năm 2021, 2030 và 2040. Chúng tôi đấu thầu theo công suất, và doanh nghiệp tham gia cần đảm bảo các tiêu chí đầu vào như giấy phép xây dựng tuabin, đánh giá tác động môi trường… như trong bài trình bày của tôi. Thời gian áp dụng giá thầu là 20 năm và chính phủ sẽ hỗ trợ trong trường hợp có chênh lệch giá thị trường.

Đánh giá về tiềm năng và sự phát triển điện gió tại Việt Nam theo góc nhìn của Hội đồng điện gió toàn cầu?

Bà Liming Qiao – Trưởng phòng đại diện khu vực châu Á, Hội đồng điện gió toàn cầu (GWEC): Thị trường điện gió ở Việt Nam đang rất triển vọng, trước hết cần phân tích riêng điện gió trên bờ và ngoài khơi. Theo dự thảo tháng Quy hoạch phát triển điện 8, chúng tôi nhận định mục tiêu hoàn thành 11-12GW điện gió vào năm 2025 là khả thi, nếu khung cơ chế đấu thầu được thiết kế hiệu quả cho việc chuyển tiếp từ chính sách cũ. Đối với dự án điện gió trên bờ, Việt Nam đang đối mặt với trăn trở về việc có nên tiếp tục áp dụng giá FiT không, khi nhiều dự án đang bị ảnh hưởng bởi Covid và khó hoàn thành đúng hạn. Một khi chuyển sang cơ chế đấu thầu, có thể còn nhiều dự án vẫn chưa hoàn thành và bị bỏ dở, gây khó khăn và mất niềm tin của các bên liên quan. Việt Nam có thể cân nhắc việc kéo dài thời hạn cho dự án theo quy mô công suất, và cấp thiết ưu tiên các giấy phép vận tải, vận chuyển lắp đặt thiết bị phục vụ khảo sát đáy biển để kịp thời thực hiện mục tiêu của mình.

IEREA-20210820-11

Đối với dự án điện gió ngoài khơi, với tính chất phức tạp trong việc khảo sát và xử lý kỹ thuật, dự đoán khoảng từ năm 2025 mới được hoàn thành tại Việt Nam và khi đó giá FiT đã hết hạn. Chúng tôi khuyến nghị Việt Nam nên thực hiện bước đệm hoặc phối hợp cả 2 cơ chế cho thị trường này để không bị ngắt quãng. Phiên hội thảo của Đan Mạch trong chuỗi sự kiện lần này đã phân tích vai trò của các giai đoạn chuyển tiếp. Chúng ta thấy Đức có giai đoạn chồng lấn và bước đệm khá dài, trong khi đó Anh Quốc, Đan Mạch hay thậm chí Đài Loan cũng đều thực hiện giai đoạn chuyển tiếp và nhanh chóng chuyển đổi thành công. Hãy dùng bài học của nước Pháp, nếu không có chuyển tiếp thì sẽ khó mà đạt được thành công trong tương lai. Chúng ta có thể học tập kinh nghiệm của các nước bạn vào việc quy hoạch khoảng 4-5GW trong giai đoạn chuyển tiếp, trước khi đổi hoàn toàn sang cơ chế đấu thầu.

Là một luật sư, ông đánh giá như thế nào về các quy định hiện hành của Việt Nam về phát triển dự án NLTT, ví dụ như hợp đồng PPA?

Ông Ross Macleod – Luật sư thành viên, Asia Counsel: Việt Nam đã có những bước đi tốt và tâm thế mở rộng với các tiêu chuẩn rõ ràng cho các nhà đầu tư. Giai đoạn đầu tiên với giá FiT trong 20 năm nên được bổ sung bước đệm để thử nghiệm trước khi chuyển sang đấu thầu. Cơ chế đấu thầu là một vấn đề lớn, đặc biệt trong các thủ tục vay vốn với ngân hàng. Về hợp đồng mua bán PPA với EVN, có nhiều bất cập như thiếu độ tin cậy trong vay vốn ngân hàng, thiếu tính đảm bảo nguồn thu dự án. Ngoài ra, việc phát triển hạ tầng như lưới, đường dây truyền tải đấu nối… đều được toàn quyền quyết định bởi EVN nên xuất hiện rủi ro phát sinh không đền bù. Các ngân hàng quốc tế và nhà đầu tư cũng e ngại khi xử lý các xung đột hoặc với các hợp đồng có lợi nhiều cho EVN. Việc kết thúc hợp đồng hoặc đền bù cũng dựa theo luật Việt Nam và thiệt hại vẫn thuộc về nhà đầu tư. Khi thị trường phát triển và quy mô các dự án cũng lớn hơn thì các vấn đề về khung pháp lý cần được chuẩn bị tốt hơn để đảm bảo quyền lợi đồng đều cho các bên và hấp dẫn nhà đầu tư quốc tế.

IEREA-20210820-12

Việt Nam cần một chính sách hậu cơ chế FiT để đáp ứng sự đầu tư và phát triển ngành NLTT. Với kinh nghiệm của Đức, đâu là các bước hành động và lộ trình cho Việt Nam?

Ông Jochen Hauff – Giám đốc Chiến lược Doanh nghiệp, Chính sách Năng lượng & Bền vững, BayWa r.e: Tôi đồng tình với cô Liming Qiao về việc cần tránh tình huống ngắt quãng trong chuyển đổi. Một hệ thống đấu thầu tốt sẽ giúp nhà đầu tư tin tưởng hơn, nên chúng ta có thể tổ chức thử nghiệm nhiều cuộc đấu thầu với quy mô nhỏ từ lĩnh vực an toàn đến các lĩnh vực mới mẻ hơn như điện gió ngoài khơi. Việt Nam nên học hỏi kinh nghiệm để thực hiện nhanh hơn, tránh để kéo dài thời gian rút kinh nghiệm như ở Đức. Ở Đức có một ví dụ về 90% các dự án điện gió nằm ở phía Bắc, trong khi khu vực công nghiệp chính là ở phía Nam và phải sử dụng điện mặt trời bức xạ cao. Đến năm 2021 chúng tôi mới quy hoạch lại về phân bổ vùng cho đấu thầu, và thật tiếc khi mất nhiều năm để nhận ra và thay đổi điều này. Tôi cũng ủng hộ việc có bước đệm, thực hiện song song cơ chế giá FiT với chương trình thử nghiệm đấu thầu. Việt Nam không có nhiều thời gian để xây dựng cơ chế trong 1-2 năm và chờ đợi thêm 7-8 năm để có kết quả, vì vậy tôi khuyến nghị các bạn nên thực hiện luôn bước đệm này. Rút kinh nghiệm từ Đức, các bạn cũng nên quy hoạch phân bổ điện gió và điện mặt trời theo vùng vì thực tế hệ thống truyền tải điện của 2 mảng này bổ trợ rất tốt cho nhau.

IEREA-20210820-13

Điều kiện tối thiểu về hạ tầng (hệ thống cung ứng, truyền dẫn và lưới điện…) như thế nào để bắt đầu cơ chế đấu thầu?

Ông Jochen Hauff – Giám đốc Chiến lược Doanh nghiệp, Chính sách Năng lượng & Bền vững, BayWa r.e: Tại Đức có nhiều cuộc thảo luận với các bên quản lý hạ tầng để được thống nhất về số công suất nhất định được đấu nối vào hệ thống. Như bài trình bày của anh Thomas thì Đức quan tâm đến việc đảm bảo đấu nối từ đầu, nên chúng tôi cũng chú trọng xây dựng mối quan hệ tốt với các bên phụ trách, song song với phát triển các nền tảng hỗ trợ như công nghệ dự trữ. Tại Đức đến năm ngoái mới áp dụng đấu thầu các công nghệ mới như dự trữ ắc quy và chỉ thử nghiệm với mức công suất nhỏ. Các vấn đề về luật định và quy định cũng có nhiều bất cập, nên sự hợp tác của các đơn vị vận hành, truyền tải sẽ giúp dễ dàng thống nhất hơn. Nhu cầu sử dụng năng lượng tái tạo của người dân cũng là tiêu chí có ảnh hưởng đến vấn đề này, tạo thế cân bằng với các đơn vị phụ trách. Từ đó mà người dân được hưởng lợi ích nhiều, và phát triển bền vững là điều chúng tôi quan tâm hơn so với lợi nhuận các dự án. Khi có quá nhiều bên tham gia đấu thầu hoặc có quá nhiều dự án thì cũng sẽ bị phản đối bởi người dân. Vì vậy, Việt Nam cần xây dựng cơ chế kỹ lưỡng để dự trù được các phát sinh khi quy mô thị tường đã lớn hơn.

Trong hồ sơ mời thầu dự án NLTT có quy định nào về xử lý rác thải sau khi dự án vận hành?

Ông Phạm Anh Dũng – Phó Vụ trưởng Vụ thẩm định tác động môi trường, Tổng Cục Môi trường, Bộ Tài nguyên & Môi trường: Theo các điều luật tại Việt Nam thì việc sản xuất cần đảm bảo được xử lý các chất thải, đối với các dự án điện gió và điện mặt trời thì cánh quạt hoặc tấm pin là một khó khăn. Việt Nam đang có những nghiên cứu về cách xử lý pin mặt trời, tuy nhiên nghĩa vụ xử lý các rác thải năng lượng là của nhà đầu tư, nên điều khoản này cần được đưa vào điều khoản mời thầu.

IEREA-20210820-14

Kết thúc phiên thảo luận, ông Bùi Văn Thịnh tóm tắt lại các nội dung chính của phiên thảo luận và thể hiện sự quan tâm đến chính sách gối đầu khi giá FiT cho điện gió sẽ hết hạn vào 31/10/2021.

Bà Nguyễn Thị Diệu Phương – Giám đốc Trung tâm hỗ trợ đấu thầu – chia sẻ: Hiện đã hết phiên thứ 4 của chuỗi hội thảo, lượng kiến thức và câu hỏi của khách tham gia vẫn còn rất nhiều. Vì vậy Ban tổ chức mong muốn chuỗi hội thảo lần này sẽ chỉ là sự kiện khởi đầu cho các hoạt động tiếp theo nhằm giúp các cơ quan và chính phủ xây dựng cơ chế đấu thầu và khung hành lang pháp lý phù hợp cho giai đoạn phát triển ngành năng lượng tái tạo sắp tới.

IEREA-20210820-15

Ban tổ chức Công ty CP Tư vấn xây dựng điện 3 (PECC3) sẽ tiếp tục gửi câu hỏi cho các diễn giả và tổng hợp phần trả lời cho quý khách tham dự hội thảo trong các bài viết tiếp theo. Để xem lại toàn bộ các phiên hội thảo và đăng ký cho phiên cuối cùng của Hoa Kỳ, xin vui lòng xem chi tiết tại website của chuỗi sự kiện IEREA2021: https://event.pecc3.com.vn

Page top