Công Ty Cổ Phần Tư Vấn Xây dựng Điện 3 - Giải pháp tốt nhất cho lựa chọn tốt nhất
Chọn ngôn ngữ:
cancel
Thứ ba, 17/08/2021 | Xem bài viết Tiếng Anh

Kinh nghiệm từ Đan Mạch về đấu thầu dự án điện gió ngoài khơi

Vào 15h chiều ngày 17/08/2021 đã diễn ra phiên đầu tiên trong Chuỗi hội thảo “Kinh nghiệm quốc tế trong đấu thầu dự án năng lượng tái tạo” (IEREA2021) do PECC3 phối hợp cùng Trung tâm Hỗ trợ đấu thầu thuộc Cục Quản lý đấu thầu – Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức.

IEREA-2021-1708-20

Mở đầu chương trình, ông Trần Quốc Điền – Phó TGĐ PECC3 – phát biểu chào mừng phiên hội thảo Đan Mạch với lời cảm ơn gửi đến đại diện Đại sứ quán và các chuyên gia Đan Mạch, cùng với các đại diện Bộ Ngành doanh nghiệp Việt Nam tham gia.

 

IEREA-2021-1708-21

TS. Tạ Đình Thi – Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường – cũng đã chia sẻ mở đầu phiên hội thảo về việc phát triển tốt điện gió ngoài khơi sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho quốc gia, nên các cơ quan chính phủ và các bên liên quan đều quan tâm đến lĩnh vực này.

IEREA-2021-1708-22

Đại diện Đại sứ quán Đan Mạch tại Hà Nội – Ông Malte Möller-Christensen, Phó đại sứ – cũng đã có chia sẻ ngắn về quốc gia Đan Mạch đã tương đối phát triển về điện gió ngoài khơi và điều quan trọng trong việc đấu thầu là việc đảm bảo thông tin đến với các bên đầy đủ.

IEREA 2021-1708-25

Tiếp đến là các bài trình bày của Diễn giả về kinh nghiệm Đan Mạch trong đấu thầu dự án điện gió ngoài khơi.

Bà Camilla Holbech – Tham tán năng lượng lĩnh vực điện gió ngoài khơi, Đại sứ quán Đan Mạch tại Hà Nội – đã có bài trình bày chi tiết về cơ chế đấu thầu của Đan Mạch, trong đó đặc biệt nhấn mạnh việc Đan Mạch đã giảm tối đa chi phí rủi ro cho các dự án điện gió ngoài khơi, và họ khá rộng mở cho các đơn vị đấu thầu tham gia, dành thời gian tìm hiểu và thấu hiểu các nhà thầu. Về cơ bản thì Đan Mạch có 5 bước đấu thầu và các tiêu chí rõ ràng. Các tiêu chí sơ tuyển sẽ gồm năng lực chuyên môn kỹ thuật và năng lực tài chính. Các khảo sát sơ bộ về địa điểm, địa chất, môi trường… là thách thức đối với các đơn vị tham gia thầu. Ngoài ra Đan Mạch quan tâm nhất đến sự phát triển bền vững và hạn chế rủi ro, đặc biệt khi Covid-19 đang ảnh hưởng đến các bên tham gia tại thị trường Việt Nam. Với kinh nghiệm 25 năm trong ngành, Đan Mạch đã hoàn thành bộ khung cơ chế đấu thầu bền vững và rõ ràng. (Cụ thể trong slide trình bày)

IEREA-2021-1708-23

IEREA-2021-1708-06

Tiếp nối bài trình bày của bà Camilla là Ông Michael Stephenson – Phó Giám đốc The Renewables Consulting Group – chia sẻ kinh nghiệm Tư vấn năng lượng tái tạo và các công tác đã hỗ trợ cho điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.

Ông phân loại các kiểu đấu thầu (1 hay 2 giai đoạn đấu thầu về việc độc quyền khai thác hay chắc chắn có khai thác) cũng các nghiên cứu chuyển đổi và cơ chế chính sách đấu thầu cũ và mới của thị trường. Ông cũng chia sẻ một điển hình dự án 2GW tại Anh và đúc kết các bài học kinh nghiệm tại Vương quốc Anh, đặc biệt là cách tận dụng CfD để phân loại các dự án. Sau đó ông chia sẻ về bài học tại Đức khi giá FiT được hỗ trợ 5GW trước khi đưa cơ chế đấu thầu vào cuộc, Đức không có giai đoạn chồng lặp như của Anh. Và đặc biệt tại thị trường Đan Mạch, việc mở rộng cho nhiều đơn vị có cơ hội tham gia thầu lại chính là lợi ích cho phía chính phủ, và họ cũng không gặp phải vấn đề chồng lặp trong việc áp dụng chính sách giá. Thị trường tiếp theo được trình bày là Đài Loan, giai đoạn bước đệm của họ không chỉ dựa vào giá mà còn tính khả thi của dự án, năng lực của các nhà đầu tư.

IEREA-2021-1708-07

Thị trường Hà Lan cũng sử dụng giá FiT trước khi vào bước đệm và thử nghiệm từ từ các chính sách thầu sau này với một số chiến lược thương mại đã thành công. Cuối cùng, nước Pháp là một quốc gia không áp dụng bất kỳ bước đệm nào, họ bỏ hoàn toàn giá FiT để chuyển hẳn sang đấu thầu, vì vậy mà các bên tham gia gần như không có sự đảm bảo rủi ro, dẫn đến hiện tại việc đấu thầu tại Pháp vẫn chưa có nhiều tiến triển. Bài học rút ra là nên có bước đệm trong chính sách và tại Việt Nam cũng cần phát triển một cách nhịp nhàng, bền vững như Đan Mạch. Ông có khuyến nghị chỉ nên thử nghiệm bước đệm từ giá FiT sang đấu thầu công khai cho 4-5GW mà thôi. Nếu không có giai đoạn chuyển tiếp thì sẽ dẫn đến các khó khăn về chậm trễ v.v.. và cần nghiên cứu nhiều giai đoạn cũng được. (Cụ thể các số liệu được trình bày trong slide)

IEREA-2021-1708-08

Ông Sebastian Hald Buhl – Giám đốc Orsted tại Việt Nam – đã chia sẻ về Orsted là công ty năng lượng tại Đan Mạch với phần lớn là vốn nhà nước và đã có những dự án lớn nhất ở Đan Mạch và Anh. Hiện tại Orsted đang triển khai khoảng 25% số dự án điện gió ngoài khơi trên thế giới, kể cả Bắc Mỹ và châu Á.

IEREA-2021-1708-09

Ông khuyến nghị khi thống nhất khung pháp lý thì EVN cũng cần cân nhắc thời gian 7-10 năm để có thể hoàn thành mọi cơ chế chính sách liên quan. Hiện tại so với năm 2012 thì điện gió đang có mức giá rẻ nhất, và rẻ hơn cả giá điện hạt nhân, hydro nên với nguồn tài nguyên điện gió dồi dào như Việt Nam thì có thể phát triển hơn cho mảng này. Ông trình bày một số rủi ro chính khi quy hoạch biển như việc quyết định các dự án điện gió chưa được ưu tiên, không gian biển chưa được nghiên cứu đầy đủ hoặc đúng hạn. Ngoài ra chính phủ đóng vai trò quan trọng trong việc quy hoạch không gian biển hiệu quả, tránh để ảnh hưởng khả năng dự đoán trong tương lai về rủi ro chi phí thực tế khi khai thác từng khu vực biển, do đó mà quy hoạch tổng hợp và quy hoạch liên ngành là nên làm để hạn chế các rủi ro trên. Việc chọn vùng biển khai thác sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí bởi các lí do: tài nguyên gió, đáy biển, độ sâu của nước, quy mô dự án và vận hành. Vì vậy ông khuyến khích việc để cho các nhà phát triển dự án quyết định việc lựa chọn vùng biển khai thác. Ông cũng chia sẻ các thông tin khác về: phí thuê đáy biển (đặc biệt sau nghị định 11 ngày 10/02/2021) của Việt Nam đang rất cao trong khi Đức, Đan Mạch và Nhật Bản đều miễn phí. Điển hình trường hợp quy hoạch dự án biển tại biển Bắc – châu Âu nơi có các tuyến đường biển chồng chéo. Một số khuyến nghị của Orsted cho Việt Nam: cần bắt đầu ngay, vai trò của Chính phủ, các địa điểm tốt, các nhà đầu tư được quyết định địa điểm, và liên kết điện gió vào các hoạt động kinh tế khác. (Cụ thể các số liệu được trình bày trong slide)

IEREA-2021-1708-10

Phiên hỏi đáp sau đó được điều hành bởi TS. Đinh Văn Nguyên – Giám đốc các dự án công nghiệp, Trung tâm Quốc gia Năng lượng, Khí hậu và Biển (MaREI Centre); Đại học Cork, Ai-Len với các câu hỏi thú vị và thực tiễn xoay quanh phần trình bày của các Diễn giả.

IEREA-2021-1708-11

Điều kiện tiên quyết trước khi thiết kế cơ chế đấu thầu điện gió ngoài khơi của Đan Mạch là gì?

Bà Camilla Holbech – Tham tán năng lượng lĩnh vực điện gió ngoài khơi, Đại sứ quán Đan Mạch tại Hà Nội: Chính phủ đóng vai trò quan trọng và cần lên kế hoạch kỹ lưỡng trước khi chính thức bắt đầu cơ chế đấu thầu. Việc tham gia của chính phủ với kế hoạch chắc chắn và bền vững là yéu tố quan trọng.

Từ góc nhìn của UB Biên giới Quốc gia, ông có thể chia sẻ góc nhìn về phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam?

Ông Nguyễn Mạnh Đông – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia, Bộ Ngoại giao: Là một cơ quan nhà nước thì vấn đề chính vẫn là biên giới quốc gia và chủ quyền biển đảo. Hiện chính phủ Việt Nam cũng đang trong quá trình thành lập các khung pháp chế, định hình chính sách… và buổi hôm nay sẽ góp thêm nhiều thông tin hữu ích cho các nhà hoạch định chinh sách và luật định của Việt Nam. Ngoài ra điện gió ngoài khơi tại Việt Nam nếu có nhà đầu tư nước ngoài thì cần lưu ý về sự phát triển của năng lượng tái tạo chắc chắn sẽ phục vụ tốt cho nền kinh tế. Đã có những nghị định về phát triển bền vững của VN cho đến 2045 và trong Nghị quyết 56 thì có những xác đáng về kinh tế biển cần đi kèm với phát triển xanh, phát triển bền vững, và điện gió ngoài khơi là một ngành đang theo đúng với hướng đi của đất nước, cũng như nhận được rất nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư điện gió của Việt Nam. Vì vậy chúng tôi cũng rất hoan nghênh sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài. Theo như tính toán của chúng tôi hiện tại thì khu vực khai thác hiện đang khá gần bờ nên chúng tôi mong muốn sẽ có những sáng kiến để đẩy khai thác điện gió xa bờ.

IEREA-2021-1708-12

Làm sao có thể xây dựng khung quy hoạch biển trong 1 năm và hoàn thành quy hoạch biển theo tiêu chuẩn quốc tế trong 2-3 năm?

TS. Tạ Đình Thi – Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường: Hiện nay phía Tổng cục đang phối hợp với các đơn vị để trình Quy hoạch không gian biển quốc gia và phát triển vùng biển bền vững để trình chính phủ trong năm 2021.

Nền tảng pháp lý khi quy hoạch không gian biển là gì? Làm thế nào chúng ta có thể đẩy nhanh việc lập quy hoạch khi hợp tác với các bộ và ngành?

Bà Lại Thị Vân Anh – Phó Vụ trưởng, Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp: Chúng ta cần cố gắng tiếp cận quy hoạch tổng hợp và quy hoạch liên ngành như anh Sebastian chia sẻ. Về pháp lý thì không khó nhưng khi triển khai thì sẽ gặp một số khó khăn như việc phối hợp các đơn vị liên quan và chính quyền địa phương, và liên đới các ngành du lịch, đánh bắt thuỷ hải sản… đòi hỏi cần thêm thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng hơn với sự phối hợp của các bên chuyên gia, nhà khoa học, kinh tế, chính phủ và từ phía pháp lý thì sự dẫn dắt bởi Thủ tướng Chính phủ sẽ tạo ra một quá trình chặt chẽ và thống nhất từ trung ương đến địa phương.

IEREA-2021-1708-24

Đan Mạch có thể giúp Việt Nam xây dựng quy hoạch không gian biển như thế nào để đạt chuẩn quốc tế?

Bà Camilla Holbech – Tham tán năng lượng lĩnh vực điện gió ngoài khơi, Đại sứ quán Đan Mạch tại Hà Nội: Từ phía Việt Nam chúng toi cũng muốn biết các bạn mong muốn tập trung vào giá trị gì, ngoài ra là việc thành lập Ban chỉ đạo với sự điều phối của Thủ tướng là điều chúng tôi khá quan tâm. Tương tự như tại Đan Mạch thì việc quan trọng là làm sao có thể đưa ra được định hướng phù hợp với cộng đồng, và Đan Mạch và Việt Nam khá giống nhau để chúng tôi có thể hỗ trợ kinh nghiệm của mình trong việc này.

Việc cải thiện tỷ lệ nội địa hoá theo công suất lắp đặt GW trong kinh nghiệm của Đan Mạch? Thông thường thì bao giờ nên bắt đầu đấu thầu?

Ông Michael Stephenson – Phó Giám đốc The Renewables Consulting Group: Tôi chưa có một con số nào cụ thể nhưng từ kinh nghiệm thì việc giá FiT có thể cao hơn một chút và ở Đài Loan cũng đã áp dụng việc giá FiT có thể hỗ trợ nội địa hoá, tuy nhiên không có nghĩa là lúc nào cũng áp dụng giá FiT cao vào chuỗi cung ứng địa phương được. Khi có đấu thầu thì giá sẽ giảm và Đài Loan là một ví dụ về việc tiêu chí thầu của họ còn có những yêu cầu khác về kỹ thuật chứ không phải chỉ dựa trên giá mà thôi. Nói về địa phương thì không có một nguyên tắc nào mà tuỳ từng thời điểm để áp dụng, ví dụ như châu Âu thì nội địa hoá được thoải mái hơn, thị trường khá lớn. Còn châu Á thì về bình diện chung các quốc gia cần phát triển chuỗi cung ứng và khả năng cung cấp tại chỗ nên chúng ta không thể ép hoặc đưa ra một con số về địa phương hoá được, và theo các dịch vụ đi kèm thì chúng ta hãy đưa ra một con số phục vụ cho việc phát triển chung thôi.

Có kiến nghị gì đối với Việt Nam để tăng tốc việc chuẩn bị các tiền đề cho đấu thầu đồng thời giữ được sự quan tâm của các nhà đầu tư?

Ông Keld Bennetsen – Phó Chủ tịch, phụ trách phát triển kinh doanh và thị trường mới nổi, Copenhagen Offshore Partners (COP): Mọi người đều cần vững mạnh từ giá FiT trước khi đủ sức để cho các bên tham gia đấu thầu công khai. Nếu có thể đưa ra một con số GW từ đầu và định hướng thì sẽ là bước đệm rất tốt từ góc nhìn của chúng tôi. Châu Âu có cả 1 quá trình 10 năm với sự hỗ trợ của chính phủ, còn Việt Nam nếu có thể định hướng một loại dự án lâu dài để phối hợp với các địa phương và tạo hấp dẫn cho các nhà đầu tư, lúc đó từ dự án đầu tiên sẽ là kinh nghiệm tốt để tiếp tục thực hiện các dự án sau.

IEREA-2021-1708-14

Làm sao có thể phân ra nguồn năng lượng (gió, mặt trời…) mà không bị chồng lấn nhau?

Ông Keld Bennetsen – Phó Chủ tịch, phụ trách phát triển kinh doanh và thị trường mới nổi, Copenhagen Offshore Partners (COP): Chúng ta có thể chia thành các loại công nghệ thì sẽ không bị cạnh tranh lẫn nhau. Ở Anh thì khi đi đấu giá, cần nói về việc khai thác tài nguyên thiên nhiên và cần thể hiện sự hiệu quả lâu dài và đủ lượng tài nguyên, thì mới hấp dẫn nhà đầu tư. Các nguy cơ rủi ro như hôm nay 3 diễn giả đã bàn qua thì cần được rà soát cho kỹ. Nếu có một nguồn tài nguyên đủ lớn và khung pháp lý đủ vững mạnh thì đương nhiên sẽ thu hút các nhà đầu tư.

Các quy chuẩn và yêu cầu thì dựa vào năng lực nhà đầu tư hay các tiêu chí nào? Làm sao bảo đảm được chất lượng các công ty tham gia đấu giá?

Ông Michael Stephenson – Phó Giám đốc The Renewables Consulting Group: Cần lựa chọn làm sao để chúng ta có thể khai thác tối đa giá trị của các nhà đầu tư. Chúng ta không nên giới hạn số người tham gia hoặc chọn lựa trên giấy tờ rồi thoả thuận giá… Các nhà đầu tư sẽ tham gia và cạnh tranh rất nhiều về giá, nhưng hội đồng cần thiết kế buổi đấu giá hợp lý để kết hợp các tiêu chí khác như tài chính, khả năng đáp ứng kết quả, uy tín…

Làm sao đảm bảo được việc cạnh tranh lành mạnh trong quá trình chọn thầu? Nên tích hợp các yếu tố hòa nhập (nhà thầu nhỏ/mới, việc làm nội địa, lợi ích cộng đồng v.v.) thế nào trong quá trình làm hồ sơ mời thầu?

Bà Vũ Quỳnh Lê – Phó Cục trưởng, Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Thực sự thì tôi muốn nghe kinh nghiệm từ phía quốc tế trước vì Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương đang thực hiện và rất cần kinh nghiệm từ các nước bạn trong vấn đề này. 3 bài thuyết trình đầu tiên đã chia sẻ rất rõ về cách thức tổ chức quy trình đấu thầu có thể thu hút sự cạnh tranh và năng lực các bên tham gia đấu thầu. Có một điểm thú vị là chúng ta đang trong giai đoạn chuyển tiếp giữa giá FiT và cơ chế đấu thầu. Với các báo cáo mà Michael đã chia sẻ có thể giúp ích rất nhiều cho việc xây dựng cơ chế đấu thầu tại Việt Nam.

IEREA-2021-1708-15

Ông Keld Bennetsen – Phó Chủ tịch, phụ trách phát triển kinh doanh và thị trường mới nổi, Copenhagen Offshore Partners (COP): Nếu chúng ta thu hút đc số lượng lớn các nhà phát triển dự án và nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tham gia quá trình đấu thầu thì sẽ tạo ra sự tăng trưởng lớn trong việc các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường, tăng cường đo lường, khảo sát… Ngoài ra chúng ta cũng sẽ kết hợp được đội ngũ nhân sự tại Việt Nam và kết hợp với các trường đại học, các bên liên quan tham gia, báo cáo và vận hành dự án. Ngoài ra các vấn đề về kỹ thuật, máy móc.. để tạo ra thị trường điện gió dồi dào hơn cũng là một cách để giúp đỡ toàn bộ thị trường, nên khi có động lực đủ lớn để thu hút các nahf đầu tư tỏng nước và nước ngoài thì chúng ta sẽ có nền tẳng để phát triển đội ngũ nhân lực trong nước về điện gió ngoài khơi.

Làm thế nào để tránh các rủi ro liên quan đến vận hành trễ, giấy phép trễ, quỹ đất liên quan…?

Ông Keld Bennetsen – Phó Chủ tịch, phụ trách phát triển kinh doanh và thị trường mới nổi, Copenhagen Offshore Partners (COP): Chúng ta cần đảm bảo kế hoạch và tiến độ rõ ràng, tuy nhiên có những việc khó kiểm soát hơn như đáy biển, đất… có thể bị trì hoãn bởi các bên liên quan. Thì từ kinh nghiệm của Đan Mạch là cả hệ thống chỉ triển khai thông qua 1 đầu mối duy nhất là Cục năng lượng quốc gia, có sự minh bạch và hệ thống để cả quy trình được thông suốt. Quy trình này cũng giúp ích khi gặp phải tình huống bất khả kháng hoặc rủi ro, để giúp quá trình này được thuận lợi, minh bạch và rõ ràng.

IEREA-2021-1708-19

Chị Nguyễn Thị Diệu Phương – Giám đốc Trung tâm hỗ trợ đấu thầu kết thúc chương trình bằng lời cảm ơn ĐSQ và các chuyên gia Đan Mạch và phía đại diện cơ quan chính quyền Việt Nam đã tham gia. Hiện tại đội ngũ chính quyền và chuyên gia của Đan Mạch đang rất sẵn sàng để hỗ trợ cho chính phủ Việt Nam.

Để đăng ký nghe lại phiên hội thảo Đan Mạch cũng như 4 phiên hội thảo tiếp theo về kinh nghiệm của Ấn Độ, Vương quốc Anh, Đức và Hoa Kỳ, xin vui lòng xem chi tiết tại website của chuỗi sự kiện: https://event.pecc3.com.vn

Page top