Công Ty Cổ Phần Tư Vấn Xây dựng Điện 3 - Giải pháp tốt nhất cho lựa chọn tốt nhất
Chọn ngôn ngữ:
cancel
Thứ bảy, 02/10/2021

Kinh nghiệm từ các quốc gia chia sẻ chuyển đổi sang cơ chế phát triển bền vững năng lượng tái tạo

Kinh nghiệm từ các quốc gia chia sẻ chuyển đổi sang cơ chế phát triển bền vững năng lượng tái tạo được Công ty Cổ phần tư vấn xây dựng Điện PECC3 phối hợp cùng Cục Quản lý đấu thầu – Bộ Kế hoạch và Đầu tư diễn ra trong tháng 8/2021.

Những ghi nhận kinh nghiệm từ các quốc gia chia sẻ.

Trung tâm Nghiên cứu phát triển thị trường điện và Đào tạo, Cục Điều tiết điện lực (ERAVCTED) đã ghi nhận và tiếp cận được nhiều kinh nghiệm thực tiễn bổ ích của các nước phát triển trong quá trình chuyển đổi chính sách để phát triển năng lượng tái tạo (NLTT). Với các ghi nhận được và kết hợp tìm hiểu thêm, một số thông tin tổng hợp và phân tích có thể tham khảo như sau:

1. Chuyển đổi cơ chế từ FIT (Feed In Tariff) sang các cơ chế bền vững.

Chuyển đổi cơ chế từ FIT (Feed In Tariff) sang các cơ chế bền vững hơn như đấu thầu, đấu giá hay mua bán điện trực tiếp và cạnh tranh trên thị trường điện là xu hướng tất yếu. Nhưng không có nghĩa đem kinh nghiệm và kết quả thành công của quốc gia này sang áp dụng cho quốc gia khác sẽ hiệu quả và phù hợp (trích nhận định của Ông Carlos Batlle, Nhà nghiên cứu tại Viện năng lượng MIT và Phó giáo sư tại Đại học Comillas Pontifical – Tây Ban Nha).

2. Mục tiêu và chính sách quốc gia.

Mục tiêu và chính sách quốc gia. Khung khổ pháp lý và đặc biệt là điều kiện thực tế mỗi nước sẽ quyết định đến lộ trình. Các cơ chế và mô hình chuyển đổi sẽ được quốc gia áp dụng thực hiện. Mỗi quốc gia đều có lộ trình chuyển đổi cơ chế và gần như không thể đốt cháy giai đoạn khi chưa đáp ứng các điều kiện tiên quyết.

(Ví dụ kinh nghiệm ở Đan Mạch thì điều kiện tiên quyết là Vai trò hoạch định, quyết định của Chính phủ và kế hoạch thực hiện chi tiết trước khi bắt đầu). Đồng thời trong quá trình chuyển đổi, đều phải thực hiện điều chỉnh chính sách để có được một cơ chế phù hợp với công nghệ, quy mô và mục tiêu phát triển. (Ví dụ có thể chuyển đổi sớm từ FIT sang cơ chế đấu thầu đối với các dự án điện mặt trời và gió trong bờ. Trong khi vẫn cần có giai đoạn thực hiện chuyển tiếp cơ chế đối với điện gió ngoài khơi,…).

3. Các mô hình chuyển đổi cơ chế phát triển NLTT.

Các mô hình chuyển đổi cơ chế phát triển NLTT thông thường sẽ có 03 dạng: Mô hình “Chồng lấn – Overlap”. Mô hình “Bước đệm – Stepping Stone” và Mô hình “Không chuyển tiếp – No Transition”. Việc quyết định các mô hình nào phụ thuộc vào các nội dung đã nêu trên. Mục tiêu giảm thiểu rủi ro của cơ chế cho các nhà đầu tư và cho cả Chính phủ, Bộ/ngành và chính quyền địa phương (Ví dụ theo tổng kết của ông Keld Bennetsen – Phó Chủ tịch của Copenhagen Offshore Partners (COP) thì Châu Âu (EU) đã mất gần 10 năm để có thể chuyển đổi cơ chế và đạt thành quả thực sự).

4. Điều kiện về khung pháp lý phải rõ ràng.

Điều kiện về khung pháp lý phải rõ ràng, đầy đủ và vững mạnh thì tự nhiên sẽ thu hút được các nhà đầu tư chuyên nghiệp và chất lượng. Đồng thời phải đảm bảo thông tin trong quá trình thực hiện đến các bên liên quan phải đầy đủ, trung thực, rõ ràng, minh bạch.

Kinh nghiệm của các quốc gia.

Chuỗi sự kiện webinar kinh nghiệm quốc tế trong đấu thầu dự án năng lượng tái tạo 2021 (“IEREA 2021”). Các nhà hoạch định chính sách và các bên liên quan học hỏi kinh nghiệm quốc tế về đấu thầu dự án năng lượng tái tạo (để lựa chọn nhà đầu tư các dự án năng lượng tái tạo) nhằm thiết lập khung pháp lý cho việc đấu thầu dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam.

Kinh nghiệm tại Ấn Độ.

Đến thời điểm hiện tại, Ấn Độ được đánh giá là nước đạt được nhiều thành công trong việc chuyển đổi cơ chế phát triển năng lượng tái tạo (NLTT) sang đấu thầu cạnh tranh. Cuộc cách mạng chuyển đổi năng lượng của Ấn Độ kéo dài từ năm 1961 nhưng để đạt được thành công như hiện nay thì tập trung chủ yếu vào 10 năm gần đây kể từ thời điểm xác lập giá FIT cao.

Quá trình cải tổ ngành năng lượng điện mặt trời ở Ấn Độ
Quá trình cải tổ ngành năng lượng điện mặt trời ở Ấn Độ

Minh chứng rõ ràng nhất về sự thành công của chính sách phát triển tại Ấn Độ đó là trong gần 6 năm từ 2014 đến tháng 7/2021. Tổng công suất đặt nguồn điện mặt trời ở Ấn Độ đã tăng gần 16 lần từ 2,6GW lên 42,6GW, hoàn thành sớm kế hoạch trước 4 năm.

Một đặc điểm và có thể là bài học tốt đó là cấu trúc hành chính từ Chính phủ đến các tiểu bang tại Ấn Độ khá tương đồng với cấu trúc hành chính từ Chính phủ đến các tỉnh/địa phương ở Việt Nam. Theo đó tại Ấn Độ, giai đoạn đầu cũng gặp nhiều khó khăn và tồn tại khi chính sách chưa có sự nhất quán và rõ ràng từ trên xuống. Đặc biệt là các vấn đề về đất đai và phát triển lưới điện để đấu nối và vận hành khi mỗi tiểu Bang sẽ có những chính sách riêng. Đặc thù còn dự án lại được điều hành bởi Chính phủ,…

==> Xem chi tiết: IEREA 2021 – Kinh nghiệm từ Ấn Độ về cơ chế giải quyết tranh chấp trong đấu thầu dự án điện mặt trời

Cơ chế đấu thầu theo giá để lựa chọn dự án có giá bán điện thấp nhất giai đoạn đầu thực hiện có nhiều khó khăn do chính sách và quy định còn chồng chéo hoặc chưa thực sự rõ ràng và bảo vệ nhà đầu tư. Hệ quả là các nhà đầu tư đã có những thiệt hại nhất định. Một trong những nguyên nhân xuất phát từ quá trình từ quy hoạch đến xây dựng kế hoạch đấu thầu không được rõ ràng và cụ thể.

Các chính sách bảo vệ nhà đầu tư chưa thực sự có hiệu quả như các vấn đề về tỷ giá hối đoái, lãi suất, tiến độ đầu tư nguồn và lưới điện không đồng bộ,….Nhiều đợt đấu thầu đã bị hủy kế hoạch thực hiện hoặc nhà đầu tư từ chối phát triển dự án khi đã trúng thầu. Điều này dẫn đến các cuộc tranh chấp, kiện tụng.

Vậy Ấn Độ đã làm gì để xử lý các vấn đề khó khăn và phát sinh trong quá trình thực hiện cơ chế đầu thầu trong gần 10 năm qua. Đặc biệt là giai đoạn từ 2016 đến nay, có thể tóm tắt với một số điểm nổi bật như sau:

  • Về trách nhiệm và vai trò tổ chức thực hiện của các Bộ, ngành (Chính phủ): Bộ Năng lượng mới và tái tạo (MNRE) là Bộ chuyên ngành có trách nhiệm chính và tập trung đối với tất cả các vấn đề liên quan đến năng lượng tái tạo; Tập đoàn/Tổng công ty Năng lượng mặt trời Ấn Độ (SECI) do MNRE sở hữu 100% được thành lập để thực hiện các kế hoạch và nhiệm vụ phát triển điện mặt trời quốc gia, SECI có trách nhiệm thực hiện các cơ chế của chính phủ, trực tiếp quản lý nguồn Quỹ “Viability Gap Funding” để triển khai thực hiện các dự án lưới điện đấu nối lớn, “Công viên năng lượng mặt trời – Solar Park” và các dự án điện mặt trời mái nhà nối lưới; Bộ Điện lực Ấn Độ (MoP) chịu trách nhiệm chính trong phát triển điện lực ở Ấn Độ.
  • Chính phủ ban hành kịp thời nhiều cơ chế, chương trình hỗ trợ và khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời như: (i) Ban hành mục tiêu phát triển rất cụ thể “Nation Solar Mission” và cũng đặt ra mục tiêu cụ thể cho từng Bang và các Bang chủ động triển khai quy định về cơ chế bù trừ nhằm tích trữ điện năng thừa trên mức tiêu thụ; (ii) Phân bổ nguồn vốn ngân sách cho các dự án điện mặt trời nối lưới và không nối lưới ví dụ giai đoạn 2021-2022 là 351 triệu USD; (iii) Chính quyền các Bang có trách nhiệm rất rõ ràng trong việc chuẩn bị sẵn sàng cơ sở hạ tầng (đất đai cho dự án và lưới điện đấu nối); (iv) Để đảm bảo công bằng, minh bạch và bảo vệ lợi ích chủ đầu tư, MNRE ban hành Bộ quy trình hướng dẫn đấu thầu điện mặt trời trên phạm vi toàn quốc “Guidelines for Tariff based Competitive Bidding Process”; (v) Đối với Quỹ VGF, Chính phủ cung cấp hỗ trợ tài chính dưới hình thức viện trợ không hoàn lại cho các dự án cơ sở hạ tầng (lưới điện đấu nối các dự án điện mặt trời lớn như Solar Park/Ultra Mega Solar Project được thực hiện thông qua hình thức PPP để đảm bảo dự án được khả thi về tài chính, thông thường mức tài trợ sẽ là 20% trong giai đoạn xây dựng (dự án lớn nhất Ấn Độ và Thế giới đang triển khai thực hiện có quy mô 30GW); (vi) Thực hiện cơ chế REC kèm theo nghĩa vụ phải mua của các đơn vị.
  • Sự phát triển mạnh mẽ của NLTT tại Ấn Độ trong những năm qua cũng có tác động không nhỏ của việc chuyển đối mô hình phát triển dựa vào chi phí đầu tư (Capex) sang mô hình chi phí hoạt động (Opex).
  • Tổ chức đấu thầu cả cho điện mặt trời mái nhà để tạo ra thị trường phát triển cho ĐMT áp mái, trong đó Chính phủ ban hành cơ chế hỗ trợ “Subsidy Scheme” từ 20-40% vốn đầu tư tùy theo quy mô công suất lắp đặt của khách hàng.
  • Và vấn đề quan trọng, tốn nhiều công sức và quy định tại Ấn Độ đó là “Giải quyết tranh chấp, khiếu nại, kiện tụng”. Mục tiêu của đấu thầu rất rõ ràng như giá thấp – chất lượng, cạnh tranh, công bằng, minh bạch thì yêu cầu về các quy định liên quan đến giải quyết tranh chấp càng phải cụ thể và chặt chẽ. Ở Ấn Độ có Ủy ban Điều tiết Trung ương và mỗi Bang cũng có một Ủy ban phân cấp để giải quyết các tranh chấp trên cơ sở một bộ các Quy định, cơ chế hướng dẫn riêng để giải quyết cho các tranh chấp trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Một số nguyên tắc chính như sau: (i) Chính phủ cho phép các bên chủ động giải quyết tranh chấp với các điều kiện và ràng buộc mở để các bên có thể đạt được các thỏa thuận tối đa, phương thức hòa giải tranh chấp được ưu tiên hàng đầu với các nguyên tắc và hướng dẫn cụ thể theo từng giai đoạn thực hiện dự án; (ii) Các hiệp ước song phương, đa phương và các điều ước quốc tế hoặc hòa giải quốc tế được áp dụng trong các trường hợp nhà đầu tư nước ngoài; (iii) Một Ủy ban giải quyết tranh chấp trong hợp đồng được thành lập với nhiệm vụ tham vấn cho các bên; (iv) Ban hành Quy trình hướng dẫn xử lý các tranh chấp mang tính điển hình để các bên tham khảo thực hiện.

Kinh nghiệm tại vương quốc Anh.

Anh thực sự quan tâm phát triển NLTT từ năm 1999, tuy nhiên các kết quả thành công bắt đầu tư giai đoạn 2015 đến nay khi các mục tiêu về phát triển bền vững, biến đổi khí hậu được xác định rõ ràng và sự thay đổi chính sách.

Lộ trình khung chính sách tổng thể của Anh liên quan đến phát triển NLTT
Lộ trình khung chính sách tổng thể của Anh liên quan đến phát triển NLTT

Mặc dù có những cam kết khu vực với các nước thuộc khối liên minh châu âu và thế giới, tuy nhiên Anh là quốc gia có một số đặc điểm và cách tiếp cận khác với các nước về chính sách thúc đẩy phát triển NLTT. Theo quy mô dự án thì Chính phủ Anh áp dụng các cơ chế và chính sách khác nhau để hỗ trợ, đã có thời điểm tại Anh thực hiện đồng thời 02 cơ chế là FIT (từ năm 2010-2019) và cơ chế đấu thầu hợp đồng sai khác – CfD Auction scheme (từ 2014 đến nay)

Đồng hành với cơ chế FIT và CfD, Chính phủ áp dụng các chính sách bổ sung như Nghĩa vụ tham gia đầu tư sản xuất NLTT (RO – Renewable Obligation, giai đoạn 2002-2017) cho các dự án quy mô lớn và Smart Export Guarantee (SEG, thực hiện từ năm 2020) cho các dự án NLTT quy mô nhỏ dưới 5MW.

==> Xem chi tiết: IEREA 2021 – Kinh nghiệm từ Vương quốc Anh về hợp đồng sai khác

Ngoài ra, đối với điện gió ngoài khơi, từ năm 2019, với đặc thù về đầu tư và kỹ thuật lưới điện dưới biển, Anh áp dụng thêm cơ chế chia sẻ đầu tư lưới điện truyền tải đấu nối (Offshore Trasmission Owner – OFTO) để tối thiểu hóa chi phí đầu tư, quản lý vận hành tài sản liên quan đến truyền tải các dự án gió ngoài khơi quy mô lớn mà vẫn đảm bảo lưới điện được vận hành với tiêu chuẩn cao.

Mục tiêu phát triển NLTT của Anh đến năm 2030
Mục tiêu phát triển NLTT của Anh đến năm 2030

Cơ chế nổi bật, thành công và có sự khác biệt với chính sách của nhiều quốc gia khác là cơ chế Đầu thầu (đấu giá) theo hình thức “Hợp đồng sai khác – CfD (Contracts for Difference)” được ban hành để hỗ trợ phát triển các dự án thuộc Chương trình sản xuất điện Carbon thấp, đặc biệt là điện gió ngoài khơi.

Kể từ khi thực hiện, Chính phủ Anh đã tổ chức được 03 vòng đấu thầu theo cơ chế CfD, dự kiến cuối năm 2021 sẽ thực hiện vòng đấu thầu thứ 4 chủ yếu cho điện gió ngoài khơi. Theo kế hoạch dự kiến hai năm/lần, Chính phủ Anh đều xác định cụ thể quy mô/nhu cầu công suất, danh mục các dự án và hạn mức ngân sách tương ứng để thực hiện các vòng đấu thầu CfD, trên cơ sở đó, các vòng đấu thầu được tổ chức thực hiện phân loại và cạnh tranh theo các dạng công nghệ NLTT như thủy điện, điện mặt trời, gió trên bờ, gió ngoài khơi… Vòng đấu thầu vào tháng 9 năm 2019, đã chứng kiến ​​các hợp đồng CfD được trao cho 5,8GW NLTT với giá điện ngày càng thấp hơn.

Các vòng đấu thầu tại Anh
Các vòng đấu thầu tại Anh

Chủ đầu tư trúng thầu CfD sẽ ký kết hợp đồng với một Công ty thuộc sở hữu của Chính phủ – Low Carbon Contracts Company (LCCC) theo quy trình phân bổ cạnh tranh. Các nhà phát triển được trả một tỷ lệ cố định (tính theo chỉ số) cho phần sản lượng điện mà họ sản xuất trong thời gian 15 năm; cơ chế CfD sẽ xử lý phần chênh lệch giữa “Giá thực tế – Strike price” (giá điện phản ánh chi phí đầu tư vào một công nghệ carbon thấp cụ thể) và “Giá tham chiếu – Reference price” là giá bình quân của thị trường điện Anh; LCCC (thay mặt Chính phủ) và Chủ đầu tư sẽ thực hiện thanh toán phần chênh lệch CfD. Sau một thời gian áp dụng CfD đã có những dự án có giá rất thành công (giá thấp và đảm bảo chất lượng).

Những đặc điểm chính của Cơ chế hợp đồng CfD tại Anh
Những đặc điểm chính của Cơ chế hợp đồng CfD tại Anh

Công ty LCCC được thành lập trong lộ trình cải tổ thị trường điện ở Anh, LCCC giữ vai trò tham gia quản lý thực hiện các vòng đầu thầu CfD với mục tiêu giá xác định thấp nhất, phát hành các hợp đồng, quản lý dự án trong giai đoạn xây dựng và thực hiện thanh toán CfD. Trong 12 tháng kể từ khi hợp đồng CfD được ký kết, LCCC sẽ căn cứ vào tình hình thực hiện của chủ đầu tư và khả năng đảm bảo được sự sẵn sàng về nguồn vốn đầu tư thì LCCC có quyền chấm dứt hợp đồng; trong quá trình thực hiện đầu tư, LCCC cũng có thể hỗ trợ chủ đầu tư các vấn đề về tranh chấp, sử dụng đất, giải phóng mặt bằng.

Dự báo giá đầu thầu tại các vòng đấu thầu tại Anh
Dự báo giá đầu thầu tại các vòng đấu thầu tại Anh

Ưu điểm của cơ chế CfDs khuyến khích đầu tư vào NLTT bằng cách cung cấp cho các nhà đầu tư dự án có thêm công cụ quản lý rủi ro tài chính trong dài hạn trước những biến động giá thị trường điện, giúp tăng sự tin tưởng của các bên và bảo vệ người tiêu dùng khi giá điện tăng cao. Theo các diễn giả đến từ Anh, sau gần 8 năm thực hiện, Chính phủ Anh có thêm nhiều kinh nghiệm và bài học để điều chỉnh phù hợp hơn với thị trường và bảo vệ được quyền lợi của các nhà đầu tư; cơ chế CfD phù hợp với các dự án và công nghệ có quy mô dù lớn hay nhỏ (tuỳ theo năng lực của nhà đầu tư). Đây chính là lý do Chính phủ Anh xác định cơ chế CfD là cơ chế bền vững để xác định mục tiêu phát triển NLTT đến năm 2030.

Kinh nghiệm tại Đan Mạch.

Kế hoạch phát triển điện gió ngoài khơi tại Đan Mạch
Kế hoạch phát triển điện gió ngoài khơi tại Đan Mạch

Đan Mạch có tiềm năng năng lượng tại tạo, đặc biệt là điện gió ngoài khơi với dự án đầu tiên (5MW) được vận hành vào năm 1991 và đến nay Đan Mạch đã có gần 2,3GW điện gió ngoài khơi. Một đặc điểm riêng của Đan Mạch là có hệ thống điện quy mô vừa và nhỏ, tốc độ tăng trưởng phụ tải thấp và gần như bão hòa trong nhiều năm nên Chính phủ Đan Mạch quan tâm nhất đến mục tiêu phát triển bền vững và hạn chế rủi ro.

==> Xem chi tiết: IEREA 2021 – Kinh nghiệm Đan Mạch liên quan đến quy hoạch không gian biển đế phát triển điện gió ngoài khơi

Đan Mạch gần như là nước tiên phong trong việc thay đổi sang cơ chế đấu thầu gió ngoài khơi từ năm 2004. Cơ chế đấu thầu 5 bước mở rộng cho tất cả các đơn vị quan tâm tại Đan Mạch với vòng sơ tuyển đầu tiên về năng lực chuyên môn kỹ thuật và tài chính đã giúp cho Chính phủ và chính bản thân nhà đầu tư giảm tối đa chi phí rủi ro cho các dự án.

Quy trình đấu thầu 5 bước của Đan Mạch
Quy trình đấu thầu 5 bước của Đan Mạch

Kinh nghiệm của Đan Mạch nhấn mạnh trong các chia sẻ chính là vai trò của Chính phủ trong quá trình thực hiện đấu thầu, đặc biệt đối với điện gió ngoài khơi thì Chính phủ có vai trò rất quan trọng trong các khâu như quy hoạch không gian biển để giảm thiểu rủi ro cũng như rút ngắn thời gian nghiên cứu, đánh giá của các nhà phát triển dự án.

Với việc không hạn chế các đối tượng tham gia đấu thầu và bộ quy chuẩn, quy trình đấu thầu chặt chẽ đã giúp Đan Mạch lựa chọn hiệu quả các nhà đầu tư tối ưu nhất cho điện gió ngoài khơi; ngoài ra cơ chế 1 đầu mối duy nhất để thực hiện công tác đầu thầu đã giúp cho Đan Mạch hạn chế tối đã có rủi ro có thể ảnh hưởng để phát triển dự án như đáy biển, đất đai. Ở Đan Mạch quá trình đầu thầu được thực hiện qua một đầu mối duy nhất là Cục Năng lượng quốc gia (DEA) với các quy trình thực hiện thuận lợi, minh bạch và rõ ràng.

DEA thực hiện một quá trình sàng lọc xác định các khu vực đáy biển đuợc ưu tiên nhất để phát triển điện gió ngoài khơi. Sau khi DEA lựa chọn địa điểm, Chính phủ Ðan Mạch có trách nhiệm đưa ra các yêu cầu, các loại giấy phép bao gồm cả các hoạt động phát triển ở giai đoạn đầu như khảo sát địa vật lý và đánh giá tài nguyên gió cần thiết để phát triển một trang trại điện gió ngoài khơi. Ðơn vị vận hành hệ thống điện truyền tải của Ðan Mạch (Energinet) thực hiện đánh giá tác động Môi truờng chiến luợc cho địa điểm dự kiến phát triển. Các nhà phát triển sau đó được cấp quyền tiếp cận các yêu cầu, dự thảo giấy phép (truớc khi đấu thầu) cũng như thông tin phân loại địa điểm để tham gia vào quy trình đấu thầu cạnh tranh dành riêng cho từng địa điểm dự án. Đây là quá trình được thực hiện công khai, minh bạch và rất rõ ràng thông tin, giúp cho các đơn vị phát triển dự án có đẩy đủ thông tin quyết định tham gia thầu và cũng giúp Chính phủ Đan Mạch lựa chọn được đơn vị phát triển tiềm năng nhất.

Kinh nghiệm tại Đức.

Đức đã có gần 30 năm phát triển NLTT, trong đó cơ chế giá FIT đã được Đức nghiên cứu và từng bước áp dụng từ năm 1991. Từ năm 2000, với việc ban hành bộ luật NLTT (RE Source Act – EEG), cơ chế giá FIT đã được áp dụng rộng rãi với thời hạn 20 năm kể từ khi ký hợp đồng mua bán. Đối với cơ chế FIT Chính phủ Đức đã đề ra các nguyên tắc mà vẫn được áp dụng đến hiện nay: (i) tất cả dự án NLTT đều có thể đấu nối vào lưới điện quốc gia; (ii) ưu tiên huy động NLTT.

Các mốc phát triển NLTT tương ứng với cơ chế chính sách tại Đức
Các mốc phát triển NLTT tương ứng với cơ chế chính sách tại Đức
Lộ trình áp dụng cơ chế chính sách và kết quả phát triển NLTT tại Đức
Lộ trình áp dụng cơ chế chính sách và kết quả phát triển NLTT tại Đức

Cơ chế đấu thầu được triển khai thí điểm tại Đức bắt đầu từ năm 2015 với điện mặt trời. Từ năm 2016, Đức triển khai chính thức cơ chế đấu thầu các nguồn năng lượng tái tạo quy mô lớn và giá hỗ trợ các nguồn năng lượng tái tạo giảm đáng kể qua các vòng đấu thầu, Đức chủ yếu triển khai đầu thầu theo công nghệ, mặc dù cũng có các hình thức đấu giá thay thế khác như đấu giá đa công nghệ (gió-mặt trời kết hợp), đấu giá xuyên biên giới và đấu giá sáng tạo/đổi mới (Inovative Auction) đã diễn ra hoặc được dự kiến thực hiện. Cơ chế đấu thầu theo công nghệ được chia rõ làm 4 nội dung để thực hiện: (i) Xác định nhu cầu đấu thầu theo công nghệ và quy mô công suất; (ii) Cách lựa chọn bên thắng thầu và quy trình đấu thầu; (iii) Chuẩn hoá các tiêu chuẩn đầu vào và hồ sơ và (iv) Quản trị rủi ro, tiến độ và biểu giá cho bên bán.

Các bước chính trong Quy trình đấu thầu tại Đức
Các bước chính trong Quy trình đấu thầu tại Đức
  • Đối với công nghệ, ở Đức có 9 nhóm công nghệ với các phương án đấu thầu khác nhau, trong đó các công nghệ mới như điện mặt trời nổi, điện mặt trời kết hợp nông nghiệp, gió trên bờ, ngoài khơi, gió ngoài khơi liên kết các nước (Cross border auction). Số lượng vòng đấu thầu sẽ theo nhóm công nghệ, ví dụ gió trong đất liền và điện mặt trời có thể từ 3 đến 4 vòng đấu thầu, trong khi gió ngoài khơi chỉ tổ chức 1 vòng đấu thầu trong 1 năm.
  • Đối với quy trình đấu thầu, Chính phủ Đức thực hiện quy trình xác định mức công suất phù hợp, trên cơ sở đó chuẩn hoá các hồ sơ, giấy phép cần có cũng như các khung thời gian nộp hồ sơ tương ứng, đánh giá thầu theo ưu tiên về giá và công suất; thông báo thắng thầu; nhận đặt cọc và phát triển dự án trong khoảng 2 năm. Các nhà thầu gửi hồ sơ dự thầu tới BnetzA (Cơ quan mạng lưới liên bang – Vận hành thị trường điện, tích hợp năng lượng tái tạo, khí đốt, viễn thông, bưu điện và đường sắt); mức giá chào thầu là tổng của giá thị trường trung bình và khoản bù trượt giá so với giá thị trường (Slidding market premium) cho dự án trong 20 năm. Giá thị trường trung bình ngày tới theo công nghệ cụ thể được xác định hàng tháng để tính giá thị trường áp dụng cho các dự án trúng thầu. Giá chào thầu thấp nhất sẽ thắng thầu, nếu có nhiều đơn vị cùng đấu thầu với giá thấp nhất thì đơn vị có công suất bé nhất sẽ thắng thầu.
  • Đối với tiêu chuẩn, điều kiện đầu vào, Chính phủ Đức đặc biệt quan tâm về quy hoạch đất, quy hoạch không gian khai thác, môi trường, các giấy phép sử dụng và kể các các đề xuất áp dụng cơ chế hỗ trợ đặc biệt (nếu có).
  • Đối với quản trị rủi ro, Chính phủ Đức xác định các loại rủi ro chính gồm: Giá điện thị trường, các rủi ro của bên đấu thầu, các rủi ro của đơn vị quản lý lưới điện (đấu nối, quá tải, tiến độ,…), đặc biệt đối với các dự án điện gió ngoài khơi thì Chính phủ sẽ xác định trước vị trí và cung cấp khả năng đấu nối lưới điện để giảm thiểu các rủi ro, khó khăn cho nhà đầu tư. Chính phủ Đức yêu cầu các bên phải tuân thủ đúng quy trình thủ tục và tiến độ thực hiện, cơ chế phạt tiến độ được áp dụng để kiểm soát và hạn chế tối đa các rủi ro.

Để xác định quy mô đầu thầu hàng năm và từng vòng đấu thầu, với Luật EEG mới nhất của Đức thì Quốc hội sẽ xác định mục tiêu quy mô cần phát triển theo các mốc của từng giai đoạn như năm 2021, 2030 và 2040. Điểm đáng lưu ý trong tổ chức thực hiện là kế hoạch đấu thầu phải được đồng bộ với phát triển cơ sở hạ tầng, lưới điện đấu nối để tránh lãng phí thời gian chờ của toàn hệ thống. BnetzA và các cơ quan quản lý nhiệt, khí, đường sắt, khảo sát môi trường biển,… phối hợp cùng nhau để xây dựng kế hoạch tổng thể để đồng bộ hoá hệ thống hạ tầng và phân bổ hợp lý, tránh chồng lấn và đảm bảo tối ưu kế hoạch thực hiện.

Lộ trình chuyển tiếp cơ chế phát triển cho điện gió ngoài khơi tại Đức
Lộ trình chuyển tiếp cơ chế phát triển cho điện gió ngoài khơi tại Đức

Đối với điện gió ngoài khơi, Đạo luật năng lượng biển từ năm 2017 đưa ra định hướng việc kết hợp với giá FiT trong giai đoạn đầu và dần chuyển sang đấu thầu toàn bộ các dự án điện gió từ năm 2021. Trong giai đoạn chuyển tiếp này (2017-2018) đã có gần 3GW điện gió ngoài khơi được triển khai thực hiện.

Mặc dù vậy đạt được các kết quả thành công nhưng cơ chế phát triển điện gió ngoài khơi tại Đức vẫn đang tiếp tục vận động và thích ứng đồng bộ với quá trình chuyển đổi năng lượng tại Đức.

Kinh nghiệm tại Mỹ.

Với điều kiện địa lý đặc thù nên Mỹ có nhiều tiềm năng NLTT nhưng đó cũng là một trong những lý do chính sách phát triển NLTT ở Mỹ cũng có sự khác nhau giữa các Bang, đặc biệt giữa Bờ Đông và Bờ Tây. Chính sách phát triển NLTT ở Mỹ được định hướng từ khung chính sách liên Bang và cụ thể các Bang sẽ quyết định phù hợp điều kiện mỗi Bang. Kinh nghiệm của Mỹ chia sẻ tại Hội thảo IEREA không nhiều nhưng có có một số điểm đặc thù khác với các nước Châu Âu và Châu Á, cụ thể như sau:

Đối với điện gió ngoài khơi:

  • Điểm đặc biệt đối với phát triển điện gió ngoài khơi ở Mỹ đó là Chính phủ Hoa Kỳ cho phép thuê khu vực biển để phát triển dự án. Quy trình đấu giá thuê khu vực đáy biển được tổ chức theo từng vòng, các đơn vị tham gia thầu có thể đặt thầu trực tiếp hoặc ra giá để “Thoát thầu”, cuối cùng một đơn vị ra giá cao nhất sẽ thắng thầu. Mỗi đơn vị chỉ được trao một khu vực cho thuê, nhằm tạo sự cạnh tranh và gắn kết giữa các nhà thầu dự án; đơn vị chào giá để “Thoát thầu” ở bất kỳ một vòng thầu nào sẽ không được tham gia thầu ở các vòng thầu khác cho các khu vực biển khác, điều này tạo nên sự cạnh tranh, công bằng. Sau khi trúng thầu thuê khu vực biển thì nhà thầu bắt đầu thực hiện các phần việc tiếp theo.
  • Về trách nhiệm quản lý và thẩm quyền cho thuê vùng biển thuộc quản lý của chính quyền liên Bang. Khi quy hoạch không gian biển, đặc biệt là ở bờ Đông với 17-18 Bang thì chính quyền liên Bang phải làm việc với từng tiểu bang để có sự phối hợp nhịp nhàng trong các giấy phép, thủ tục, môi trường và dữ liệu dùng cho quy hoạch. Cơ chế đấu thầu tại Hoa Kỳ chủ yếu dựa trên giá, kết hợp với các yêu cầu, ý kiến của các Hiệp hội, Công đoàn và cộng đồng.
  • Phạm vi đầu thầu thuê khu vực biển chỉ cho phép xác định địa điểm không xác định dự án cụ thể, các nhà phát triển sẽ nghiên cứu, đánh giá và quyết định phát triển dự án như thế nào để tận dụng chuỗi cung ứng liên quan tại khu vực đó và có khả năng mở rộng địa điểm mới trong tương lai. Các cơ quan có thẩm quyền sẽ quy định điều khoản trong PPA và xác định xem dự án và khả năng tận dụng nguồn tài nguyên và chuỗi cung ứng.

Đối với Điện mặt trời:

Qua trình thay đổi của Chi phí sản xuất điện quy dẫn
Qua trình thay đổi của Chi phí sản xuất điện quy dẫn
  • Mỹ tổ chức đấu thầu điện mặt trời theo công nghệ (ví dụ mặt trời có lưu trữ, không lưu trữ, có hệ thống tracking, theo công nghệ tấm pin,…) và giá cạnh tranh, mặc dù vậy giữa các Bang khác nhau sẽ có các cơ chế khác nhau. Hệ thống pin dự trữ năng lượng ngày càng được phát triển tại Mỹ và được cạnh tranh trực tiếp với các nguồn khác ở cả mô hình độc lập hoặc kết hợp với các nguồn năng lượng tái tạo khác (gió, mặt trời).
  • Các Bang ở Mỹ áp dụng đa dạng các mô hình cạnh tranh như đấu thầu cạnh tranh, đấu thầu tập trung, mua bán điện trực tiếp thậm chí cho phép thỏa thuận song phương để đa dạng hóa và tối đa hóa mục tiêu cạnh tranh trong giá bán điện.
  • Quy trình đấu thầu tổng thể được thực hiện theo 03 bước: (i) Yêu cầu cung cấp thông tin; (ii) Bày tỏ quan tâm; (iii) Nộp hồ sơ đề xuất. Thông thường trước khi thực hiện các bước này các nội dung khác đã được thực hiện hoặc thực hiện song song như: (i) Đánh giá môi trường; (ii) Nghiên cứu lưới điện đấu nối; (iii) Xác định nhu cầu và sở hữu đất; (iv) Dự thảo các văn bản pháp lý như PPA, thuê hạ tầng,…. Tổng thời gian thực hiện các nội dung trên thực hiện bởi đơn vị điện lực khoảng gần 2 tháng.

Nhận định về kinh nghiệm của các quốc gia.

Với các nội dung ghi nhận thông qua chuỗi sự kiện IEREA 2021 và tìm hiểu thêm đã đề cập nêu trên, tóm tắt một số nhận định có thể là bài học để tham khảo trong chuyển đổi chính sách phát triển NLTT tại Việt Nam như sau:

nang luong tai tao 14

  1. Chuyển đổi cơ chế chính sách là xu hướng tất yếu để phát triển NLTT phù hợp với điều kiện phát triển về công nghệ, yêu cầu bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
  2. Xác định rõ lộ trình, mục tiêu quốc gia, các điều kiện tiên quyết tương ứng và kế hoạch thực hiện từ ngắn đến dài hạn là điều kiện cần thiết và cơ sở xây dựng chính sách đầy đủ, đồng bộ và rõ ràng để thực hiện mục tiêu và kế hoạch.
  3. Mục tiêu của cơ chế đấu thầu là tăng tính minh bạch, công bằng và lâu dài giảm giá mua điện từ các nguồn NLTT, tuy nhiên kinh nghiệm cho thấy các nước đều phải trải qua quá trình điều chỉnh để đạt được điểm cân bằng, vì vậy đối với chính sách liên quan đến cơ chế đấu thầu, có thể xem xét các nội dung sau:
  • Xác định rõ cơ quan đầu mối thực hiện rất quan trọng, đặc biệt đối với lĩnh vực đầu tư điện lực khi các tác động mang tính tổng thể. Xác định rõ trách nhiệm của các đơn vị liên quan, đặc biệt là trong các khâu về quy hoạch, môi trường, xã hội, đầu tư lưới điện,…
  • Cần có bước đệm chuyển đổi trong chính sách và thực hiện phát triển NLTT phù hợp với điều kiện thực tế, bao gồm cả mục tiêu phát triển trong giai đoạn chuyển đổi.
  • Cơ chế đấu thầu là tổng thể vì vậy cần quan tâm cụ thể hóa và đồng bộ các quy định, chính sách thực thi cơ chế đấu thầu như quản lý rủi ro, bù đắp hỗ trợ (nếu cần), cơ chế giá điện, cơ chế hợp đồng,…
  • Kế hoạch đấu thầu cần rất rõ ràng, minh bạch và đầy đủ thông tin về số lượng dự án, loại hình công nghệ, nhu cầu quy mô, ràng buộc kỹ thuật, các vấn đề về pháp lý, các loại giấy phép và các điều kiện đặc biệt của mỗi dự án.
  • Các nguồn lực và công cụ hỗ trợ cần được quan tâm cải thiện và chuẩn bị như là một điều kiện cần để thực hiện lộ trình và kế hoạch.
  • Xem xét áp dụng các tiêu chí, thước đo cụ thể để xếp loại tín nhiệm doanh nghiệp ngành năng lượng tạo cơ sở ưu tiên trong đấu thầu.
  • Công khai cung cấp đầy đủ thông tin, rõ ràng, minh bạch cho tất các các bên liên quan, bên tham gia là một giải pháp hỗ trợ tích cực.
  • Tranh chấp luôn luôn là vấn đề lớn và thường xuyên xảy ra trong quá trình đấu thầu đặc biệt trong các giai đoạn chuyển tiếp, chính vì vậy cần có đầy đủ khung pháp lý và quy trình hướng dẫn rõ ràng để xử lý các vấn đề này.
  • Các vấn đề về quy hoạch (đất, điện,..) cần xử lý triệt để và đồng bộ; Xây dựng các kịch bản xử lý lỗ hổng và khoảng cách về pháp lý đối với những dự án đặc thù để quản lý và hạn chế rủi ro cho các nhà đầu tư và chính quyền.

Chuỗi sự kiện chia sẻ kinh nghiệm từ các quốc gia chia sẻ chuyển đổi sang cơ chế phát triển bền vững năng lượng tái tạo đã diễn ra thành công tốt đẹp cùng phương châm “Sharing is caring”. Để đăng ký nghe lại các phiên hội thảo xin vui lòng xem chi tiết tại website của chuỗi sự kiện: https://event.pecc3.com.vn.

Page top