Công Ty Cổ Phần Tư Vấn Xây dựng Điện 3 - Giải pháp tốt nhất cho lựa chọn tốt nhất
Chọn ngôn ngữ:
cancel
Thứ hai, 03/10/2022 | Xem bài viết Tiếng Anh

THÍ ĐIỂM MUA BÁN ĐIỆN TRỰC TIẾP (DPPA): THẨM QUYỀN BAN HÀNH VÀ MÔ HÌNH ĐƯỢC ĐỀ XUẤT

Ngày 9/5/2022, Dự thảo Quyết định Thủ tướng về thí điểm cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn (Direct Power Purchase Agreement – DPPA) đã được Bộ Công Thương đăng tải trên Cổng thông tin điện tử và đang trong quá trình hoàn thiện sau một thời gian lấy ý kiến.

Tuy nhiên, Nghị định 39/2022/NĐ-CP về quy chế làm việc của Chính phủ được Chính phủ ban hành ngày 18/6/2022 có một số thay đổi về thẩm quyền quyết định thí điểm cơ chế so với Nghị định 138/2016/NĐ-CP trước đây. Theo quy định tại điểm b, Điều 5.2 của Nghị định 138/2016/NĐ-CP, Thủ tướng Chính phủ quyết định thí điểm thực hiện cơ chế, chính sách đối với những vấn đề cần thiết theo quy định, làm cơ sở cho việc điều chỉnh hoặc ban hành cơ chế, chính sách mới. Trong khi điểm b, Điều 5.2 của Nghị định 39/2022/NĐ-CP, quy định Thủ tướng Chính phủ chỉ quyết định thí điểm cơ chế, chính sách mới thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ tại Điều 20 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cụ thể còn:

  1. Biện pháp lãnh đạo, điều hành Chính phủ và hệ thống hành chính nhà nước, chế độ làm việc với các thành viên Chính phủ, chính quyền địa phương và các vấn đề khác thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ; và
  2. Biện pháp chỉ đạo, phối hợp hoạt động các thành viên Chính phủ; kiểm tra hoạt động của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương trong việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Như vậy, với Nghị định 39/2022/NĐ-CP, việc quyết định thí điểm cơ chế DPPA không còn thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ. Căn cứ quy định tại điểm b, Điều 15.2 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Quốc hội có thẩm quyền: “Thực hiện thí điểm một số chính sách mới thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội nhưng chưa có luật điều chỉnh hoặc khác với quy định của luật hiện hành”, cho nên Quốc hội là cơ quan có thẩm quyền quyết định thí điểm cơ chế DPPA. Điều này đồng nghĩa với việc Dự thảo Quyết định Thủ tướng về DPPA sẽ cần được thay thế bởi một Dự thảo Nghị Quyết của Quốc hội nhằm đảm báo tính phù hợp về mặt pháp lý.

Xét về mặt nội dung, Dự thảo Quyết định Thủ tướng cho thấy Bộ Công Thương đã đề xuất áp dụng mô hình DPPA dạng tài chính (Financial DPPA, hay còn gọi là Synthetic DPPA) và lập ra lộ trình thực hiện thí điểm tương đối cụ thể.

Mô hình thí điểm DPPA
Mô hình thí điểm DPPA

Theo mô hình DPPA dạng tài chính:

  1. Khách hàng sử dụng điện mua điện từ Tổng công ty điện lực theo giá bán lẻ hiện hành; đồng thời trực tiếp ký kết với đơn vị phát điện một Hợp đồng kỳ hạn (Contract for Difference – CFD) với giá và sản lượng điện do hai bên thỏa thuận cho các chu kỳ giao dịch trong tương lai.
  2. Khách hàng sẽ thanh toán bù vào phần chênh lệch nếu mức giá điện thị trường giao ngay cho sản lượng điện cam kết trong hợp đồng thấp hơn giá thỏa thuận. Ngược lại, đơn vị phát điện sẽ trả phần chênh lệch nếu mức giá thị trường điện giao ngay cao hơn giá đã thỏa thuận. Thỏa thuận này sẽ bảo vệ các bên trước những rủi ro tài chính do sự lên xuống của giá điện thị trường, qua đó duy trì hoạt động đầu tư bền vững vào sản xuất năng lượng tái tạo. Đơn vị phát điện ký kết hợp đồng mua bán điện với EVN để bán toàn bộ điện năng trên thị trường điện giao ngay.

Như vậy, theo nguyên tắc, EVN đại diện cho khách hàng mua điện từ đơn vị phát điện theo giá thị trường điện giao ngay và bán lại cho khách hàng theo giá điện bán lẻ. Khách hàng được lựa chọn và tiếp cận nguồn gốc của năng lượng sạch mà họ sẽ sử dụng để sản xuất và kinh doanh, nhằm mục đích bảo vệ môi trường và được công nhận bằng các chứng chỉ năng lượng tái tạo (Renewable Energy Certificates – RECs). EVN được bù đắp chi phí quản lý và truyền tải điện bằng phần chênh lệch giữa giá bán lẻ và giá thị trường giao ngay.

Lộ trình thí điểm DPPA
Lộ trình thí điểm DPPA

Theo Điều 9 của Dự Thảo Quyết định Thủ tướng, thí điểm được chia làm 2 giai đoạn là giai đoạn chuẩn bị và giai đoạn vận hành thí điểm:

  1. Ở giai đoạn chuẩn bị, Bộ Công Thương có trách nhiệm công bố thí điểm, mở cổng đăng ký trên trang thông tin điện tử thí điểm mua bán trực tiếp, đánh giá và lựa chọn các ứng viên đủ điều kiện tham gia.
  2. Ở giai đoạn vận hành thí điểm, các Đơn vị phát điện và Khách hàng hoàn thành việc đàm phán, ký kết các hợp đồng liên quan, hoàn thành việc xây dựng nhà máy điện năng lượng tái tạo và đưa nhà máy điện vào vận hành trong thời gian cam kết. Căn cứ kết quả vận hành, trong thời hạn 01 năm tính từ ngày kết thúc thời hạn các Đơn vị phát điện đưa nhà máy điện vào vận hành thương mại và tham gia thị trường điện, Bộ Công Thương đánh giá các khía cạnh về thị trường, kỹ thuật, tài chính và pháp lý, đề xuất các nội dung hoàn thiện cơ chế mua bán điện trực tiếp để báo cáo các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định về việc áp dụng chính thức cơ chế này.

Tham khảo thêm bài viết: DỰ THẢO MỚI NHẤT CỦA BỘ CÔNG THƯƠNG VỀ CƠ CHẾ MUA BÁN ĐIỆN TRỰC TIẾP VÀ MỘT SỐ NỘI DUNG ĐÁNG LƯU Ý

 

Phúc Đăng

 

Page top