Vào 8h00 sáng ngay 21/08/2021, phiên cuối cùng của Chuỗi hội thảo “Kinh nghiệm quốc tế trong đấu thầu dự án năng lượng tái tạo” (IEREA2021) do PECC3 phối hợp cùng Trung tâm hỗ trợ đấu thầu thuộc Cục Quản lý đấu thầu – Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức đã diễn ra thành công dưới tinh thần “Sharing is caring”. Tại phiên này, lý thuyết và kinh nghiệm thực tế của Hoa Kỳ trong đấu thầu các dự án năng lượng tái tạo được chia sẻ.
Mở đầu chương trình, ông Trần Quốc Điền – Phó TGĐ PECC3 – đại diện Ban tổ chức phát biểu chào mừng phiên hội thảo với lời cảm ơn gửi đến đại diện chính phủ và các chuyên gia Hoa Kỳ đã tham gia chia sẻ, đồng thời là đại diện các Bộ, Ngành, Hiệp hội và doanh nghiệp Việt Nam đồng hành. Hoa Kỳ là quốc gia đặc biệt hỗ trợ Việt Nam trong phát triển năng lượng tái tạo (NLTT). Từ năm 2015, USAID đã khởi động “Chương trình Năng lượng phát thải thấp Việt Nam”, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã hỗ trợ nhiều dự án phát triển ngành năng lượng tái tạo Việt Nam. Điểm đáng chú ý nhất, Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris sẽ thăm Việt Nam vào tuần tới và trở thành Phó Tổng thống Hoa Kỳ đương nhiệm đầu tiên thăm Việt Nam. Vì vậy, sự kiện lần này rất phù hợp và đúng lúc để Việt Nam học hỏi và tiếp tục xây dựng khung chính sách cho đấu thầu NLTT.
Đại diện Chính phủ Việt Nam, ông Lê Tuấn Anh – Vụ trưởng Vụ Kinh tế công nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư – đã thay mặt cho các đại diện từ Bộ phát biểu về sự bùng nổ của điện mặt trời tại Việt Nam trong những năm qua. Chính phủ Việt Nam hiện đang thúc đẩy phát triển bền vững NLTT và nghiên cứu về cách thức chuyển đổi cơ chế đấu thầu cạnh tranh thay cho giá FiT trước đây. Ông gửi lời trân trọng cảm ơn đến các khách mời đặc biệt sẽ chia sẻ kiến thức trong phiên hội thảo này và các đối tác, nhà tài trợ của chương trình.
Bà Anna Shpitsberg – Phó Trợ lý Ngoại trưởng đặc trách Chuyển dịch năng lượng, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ – bày tỏ sự vui mừng khi chúng ta có cơ hội ngày hôm nay để đối thoại về cách thức đấu thầu cho dự án NLTT và khi thấy Việt Nam thực sự quan tâm về thị trường này. Cơ chế FiT đã giúp Việt Nam phát triển rất nhiều trong thời gian qua, và sắp tới khi tổ chức đấu thầu sẽ không chỉ giúp ích cho NLTT mà còn các lĩnh vực sản xuất khác. Hôm nay Hoa Kỳ không chỉ mong muốn nói về cách xây dựng cơ chế đấu thầu, mà còn về cách thức thực hiện để dần đạt được giá thấp nhất, độ cạnh tranh tăng và việc tham gia vào chuỗi cung ứng được hoà nhập nhanh chóng, các trường hợp nội địa hoá có thế mạnh tại Việt Nam. Hoa Kỳ và các quốc gia khác đều đang chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và vai trò của năng lượng sạch giúp chúng ta có sức mạnh hơn trong cuộc chiến này. Bà cũng gửi lời cảm ơn PECC3 và Trung tâm Hỗ trợ đấu thầu đã tổ chức chương trình này.
Diễn giả đầu tiên là ông James Bennett – Giám đốc Chương trình, Văn phòng Chương trình Năng lượng Tái tạo, Cục Quản lý Năng lượng Đại dương Hoa Kỳ (BOEM) – trình bày về chính sách đấu thầu dự án năng lượng tái tạo tại Hoa Kỳ và các kỹ thuật mới về tuabin gió ở các khu vực biển nông và biển sâu. Ông phân tích sự khác nhau giữa bờ Tây và bờ Đông Hoa Kỳ, cơ chế thúc đẩy đấu thầu và hợp đồng mua bán PPA ở các dự án bờ Đông. Chính phủ Hoa Kỳ cho phép thuê khu vực biển xây dựng dự án. Quy trình đấu giá thuê khu vực đáy biển được tổ chức theo từng vòng, các đơn vị tham gia thầu có thể đặt thầu trực tiếp hoặc ra giá để thoát thầu, cuối cùng một đơn vị ra giá cao nhất sẽ thắng thầu. Mỗi đơn vị chỉ được trao một khu vực cho thuê, nhằm tạo sự cạnh tranh và gắn kết giữa các nhà thầu dự án. Sau khi thuê được các khu vực thì nhà thầu bắt đầu thực hiện các phần việc tiếp theo. Ở Hoa Kỳ, các tiểu bang sẽ quyết định trên hợp đồng mua bán về từng khu vực biển nào được phép thuê để làm điện gió ngoài khơi, và Hoa Kỳ dần đạt được giá cho thuê ngày càng cao trong 17 khu vực biển của mình.
Tiếp tục chia sẻ về xu hướng của Hoa Kỳ trong phát triển điện mặt trời, bà Christine Covington – Chương trình năng lượng phát thải thấp Việt Nam, USAID – bắt đầu với sự khác nhau trong hoạch định và cách quản lý hợp đồng PPA giữa các tiểu bang trong thị trường điện mặt trời. Hoa Kỳ tổ chức đấu thầu chung cho các công nghệ khác nhau, và thông thường các công nghệ về NLTT đạt được giá tốt hơn các công nghệ truyền thống. Pin dự trữ năng lượng cũng là một xu hướng mới và cạnh tranh, có thể kết hợp với điện gió và điện mặt trời. Chính phủ Hoa Kỳ sử dụng các công cụ khác nhau như đấu thầu cạnh tranh, đấu thầu tập trung, thoả thuận song phương để mua các công nghệ sản xuất và dự trữ năng lượng. Bà trình bày chi tiết quy trình mua sắm cạnh tranh của Hoa Kỳ với 3 giai đoạn và chức năng của các bên trong từng giai đoạn. Bà đưa ra điển hình Hải quân Mỹ thường dùng quy trình 3 năm cho toàn bộ các công đoạn như yêu cầu thông tin, hồ sơ kỹ thuật dự án, mời thầu, xét thầu và thương lượng… để các bên có đủ thời gian hoàn thành và nhà đầu tư có điều kiện tính toán mức giá tối ưu nhất. Dự án Joint Base Pearl Harbour Hickam của Hải quân Mỹ là một ví dụ thành công của quy trình này.
Ông Chu Bá Thi – Chuyên gia cao cấp về năng lượng, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) – trình bày về kinh nghiệm quốc tế và những cân nhắc cho Việt Nam trong cơ chế đấu thầu dự án năng lượng tái tạo. Biểu giá điện mặt trời trên toàn thế giới đều có xu hướng giảm và từ năm 2015 đến 2021 bình quân đã giảm 80%. WB đã và đang hỗ trợ chính phủ các nước trong việc giảm thiểu rủi ro trong ngành NLTT nhằm thu hút phân khúc tư nhân tham gia thị trường. Ông đưa ra 8 câu hỏi khung trong việc xây dựng mô hình phát triển NLTT bền vững, bao gồm các mục tiêu công suất, không gian, thời gian và cách thức thực thi cũng như quản trị rủi ro cho dự án. Trong giai đoạn đầu tiên khi lên kế hoạch, Việt Nam gặp những khó khăn trong cơ sở hạ tầng truyền tải và cần có kế hoạch kỹ lưỡng để tính toán cho hệ thống truyền tải và dự trữ năng lượng. Công suất ấn định nên được phân chia ra các vòng khác nhau tuỳ theo nhu cầu của thời điểm để đảm bảo phân bổ đều rủi ro tài chính và có thêm thời gian hoàn thiện cơ sở hạ tầng, và nên được quyết định bởi cơ quan tập trung của chính phủ.
Giai đoạn tổ chức đấu thầu, trong quá trình chuẩn hoá các tiêu chí và hồ sơ mời thầu, cần cân bằng giá và các rủi ro. Quỹ đất và lưới truyền tải là một trong các rủi ro mà nếu chính phủ phụ trách thì nhà đầu tư sẽ chỉ cần tập trung vào quá trình phát triển dự án, giống như các dự án điện mặt trời là mô hình tốt. Đấu thầu trạm biến áp cũng là một hình thức ít rủi ro hơn là đấu thầu địa điểm xây dựng dự án. Ông đưa ra điển hình Argentina và Burkina Faso cho 2 hình thức WB khuyến nghị. Về cơ quan phụ trách đấu thầu, nhiều quốc gia đã tổ chức tập trung như Ân Độ, Tây Ban Nha… đều có các Bộ chuyên trách. Các quốc gia khác sử dụng cơ quan điều tiết và giám sát như Đức, Chile, Malaysia, Brasil. Tại Việt Nam và Ai Cập, Ả Rập Thống Nhất… sử dụng các công ty, tổ chức như EVN. Thông thường các quốc gia có cơ quan chính phủ chuyên trách sẽ đạt hiệu quả đấu thầu cao hơn. Về quy mô của mỗi vòng đấu thầu, mỗi quốc gia đều có mức quy mô cao nhất và thấp nhất đã thực hiện rất khác nhau, vì vậy không có tiêu chuẩn chung. Về hợp đồng PPA, đối với các dự án công suất lớn nên được triển khai hợp đồng dài 25-30 năm để đảm bảo dòng tài chính.
Ông Nguyễn Thanh Hải – Luật sư Cố vấn cấp cao, Baker McKenzie – bổ sung góc nhìn pháp lý với kiến nghị về vai trò của đơn vị tổ chức đấu thầu. Ông cho rằng Việt Nam nên học hỏi mô hình của các nước về cơ quan tập trung của chính phủ đứng ra thực hiện tổ chức đấu thầu, kết hợp với các địa phương khi có phát sinh về chủ quyền đất sử dụng, và nên có sự tham gia của các bên chuyên môn vào việc xây dựng khung pháp lý. Việt Nam không còn nhiều thời gian, vì vậy có thể thử nghiệm áp dụng các mô hình thế giới, kết hợp với điều luật hiện tại trong nước với 2 mô hình ít rủi ro là dự án điện mặt trời hoặc dự án điện gió, trong đó chính phủ phụ trách về quyền sử dụng đất, hệ thống đấu nối và cơ sở hạ tầng. Với hình thức đấu thầu trạm biến áp, các nhà đầu tư sẽ hào hứng hơn trong việc được tự do chọn các khu vực và công suất phù hợp với tài chính và nguồn lực của họ. Phía chính phủ cần chuẩn bị kỹ các tiêu chí đầu vào và nên tổ chức đấu thầu ở cấp quốc gia. Ông cũng cho rằng tuỳ theo tính chất dự án mà có thể phân bổ về cho các cơ quan chính phủ như Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường… phụ trách.
Bài trình bày cuối cùng bởi GS. TS. Carlos Batlle Lopez – Nhà nghiên cứu Viện năng lượng MIT, Giáo sư Đại học Comillas Pontifical (Tây Ban Nha) – về kinh tế năng lượng tại Nam Âu và Nam Mỹ. Nam Mỹ là khu vực có nguồn tài nguyên gió và mặt trời khá lớn, đặc biệt là điện gió ngoài khơi ở Colombia và điện mặt trời ở Chile. Điểm chung của cơ cấu điện gió và điện mặt trời ở các quốc gia này là sự bắt buộc quy hoạch chuẩn xác trước khi bắt đầu, từ lựa chọn vị trí dự án, quy mô đến các bước sau đó. Khu vực Nam Mỹ đã phát triển thuỷ điện từ lâu và xây dựng thành công hệ thống dự trữ năng lượng, tuy nhiên gặp vấn đề biến động giá liên tục trong nhiều năm, phụ thuộc vào các mùa khô hay mùa mưa. Do đó, đây là thị trường chưa đạt được sự tự tin về giá dài hạn và buộc phải đấu thầu các công nghệ điện mới. Nam Âu thực thi Đạo luật phát triển NLTT của Liên Minh Châu Âu nên tập trung thực hiện nhanh chóng hơn Nam Mỹ trong quá trình thay đổi cơ cấu này. Một số quốc gia Nam Mỹ thiếu đồng bộ trong sử dụng tiền tệ vào hợp đồng, hoặc không hoàn thành các dự án đúng hạn, thậm chí là bỏ cuộc. Vì vậy, khi tổ chức đấu thầu một số nhà đầu tư được yêu cầu thế chấp tài sản khi đấu giá 2 giai đoạn, nhằm đảm bảo dự án được triển khai hoàn thành. Cơ quan đấu thầu tập trung của quốc gia đóng vai trò chủ đạo và chính phủ có trách nhiệm đưa ra kế hoạch, định hướng và chịu trách nhiệm cho các kế hoạch.
Ba điểm thiết yếu trong thiết kế hồ sơ mời thầu là (1) phải làm rõ quy mô công suất đấu cho từng loại công nghệ; (2) các tiêu chuẩn về đấu nối, khảo sát đánh giá tác động môi trường, quyền sử dụng đất và năng lực tài chính… cũng cần được chuẩn hoá trước và (3) xây dựng các mức giá đấu thầu phù hợp. Ở một số quốc gia như Argentina, hợp đồng được quy định về khung giờ phát điện theo nhu cầu sử dụng và nhìn chung, chính phủ các nước đều có nhiều biện pháp khác nhau để giảm thiểu rủi ro chi phí. Về phương pháp luận, tại Nam Mỹ trong 10 năm trở lại, giá thị trường xuống rất thấp và họ có nguồn năng lượng điện gió hoặc điện mặt trời rất dồi dào, đạt đến 45-50% tổng công suất. Vì vậy mục tiêu 30% là khả thi về nguồn tài nguyên, và chính phủ các nước chỉ tập trung vào quản trị rủi ro về giá. Ngoài chuyển đổi cơ cấu năng lượng và chính sách giá, có một số yếu tố khác trong phương pháp luận được các nhà đầu tư quan tâm.
Bà Vũ Quỳnh Lê – Phó Cục trưởng, Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Vì sao Tây Ban Nha lại tổ chức đấu thầu theo nhiều công nghệ với từng mức công suất 1GW? Mỗi mức công suất trên có thể đến hàng chục dự án, Việt Nam với cơ chế tập trung có nên đấu thầu theo từng dự án?
GS. TS. Carlos Batlle Lopez: Tuỳ theo tình trạng của mạng lưới mà công suất khi đấu thầu có thể khác, ví dụ như ở Tây Ban Nha đường truyền tải điện đã được xây dựng rất tốt, vượt mức sản xuất hiện tại. Vì vậy dù có 27-30 dự án mới đạt công suất 1GW, các nhà đầu tư vẫn có độ sẵn sàng cao. Bồ Đào Nha và các quốc gia Nam Mỹ gặp khó khăn hơn về hệ thống hoà lưới khi nhà đầu tư chỉ có thể đấu nối khi kết nối được với các cơ quan phụ trách và cơ quan an ninh. Vì vậy ở các quốc gia khác, nhà đầu tư cần nghiên cứu từng khu vực để chọn công nghệ và công suất muốn đăng ký đầu tư với chính phủ, và quan trọng là khả năng kết nối của họ với các cơ quan phụ trách. Ngược lại, chính phủ từng nước lại có tốc độ nghiên cứu, cân nhắc riêng và cách tổ chức đấu giá theo từng công nghệ hay chung nhiều công nghệ. Vì vậy tuỳ theo tình huống tại Việt Nam mà các bạn có thể cân nhắc.
Ông Nguyễn Tuấn Phát – Luật sư nội bộ, PECC3 – điều phối phiên thảo luận của hội thảo với câu hỏi đầu tiên dành cho phía BOEM.
Làm thế nào để chuẩn bị điều kiện tiên quyết cho cơ chế đấu thầu?
Có nên tổ chức đấu thầu cho từng dự án đơn lẻ từ vài chục đến vài trăm MW?
Có nên giới hạn số đơn vị tham gia đấu thầu?
James Bennett – Giám đốc Chương trình, Văn phòng Chương trình Năng lượng Tái tạo, Cục Quản lý Năng lượng Đại dương Hoa Kỳ (BOEM): Quy trình của chúng tôi cho phép sử dụng địa điểm cho thuê và kết hợp với các cơ quan của chính phủ. Chúng tôi không xác định dự án, chúng tôi chỉ xác định địa điểm làm dự án và các nhà phát triển sẽ nghiên cứu xem nên phát triển dự án gì để tận dụng chuỗi cung ứng liên quan tại khu vực đó và có khả năng mở rộng địa điểm mới trong tương lai. Nhìn chung, các địa điểm được cho thuê ngoài khơi sẽ đủ công suất phát điện cho phát triển kinh tế trong từng giai đoạn, có thể lên đến 100 tuabine hoặc nhiều GW nên chúng tôi không tập trung vào từng dự án đơn lẻ. Các cơ quan có thẩm quyền sẽ quy định điều khoản trong PPA và xác định xem dự án và khả năng tận dụng nguồn tài nguyên và chuỗi cung ứng, trong đó chính quyền liên bang quyết định quỹ đất và vùng biển cho thuê. Các đơn vị tham gia đấu thầu cần đảm bảo các tiêu chí tài chính, kỹ thuật và kinh nghiệm thực hiện dự án tương tự, nếu đạt các tiêu chí đầu vào thì được tham gia. Với các doanh nghiệp nước ngoài, cần thành lập công ty con tại Mỹ và chứng minh được năng lực phát triển để tham gia.
Bà Phạm Thị Gấm – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách và Pháp chế, Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường: Trong quá trình quy hoạch không gian biển quốc gia và các quy định liên quan đển quyền sử dụng, tác động môi trường… cần có các yêu cầu nào, theo kinh nghiệm của Hoa Kỳ?
James Bennett – Giám đốc Chương trình, Văn phòng Chương trình Năng lượng Tái tạo, Cục Quản lý Năng lượng Đại dương Hoa Kỳ (BOEM): Có sự khác biệt lớn giữa quy định cho điện gió trên bờ và điện gió ngoài khơi. Với các thủ tục về khảo sát tác động môi trường, khảo sát đáy biển… thì khá tương tự nhau, riêng với quyền cho thuê thì điện gió trên bờ thuộc quản lý của tiểu bang và điện gió ngoài khơi thuộc quản lý của chính quyền liên bang. Khi quy hoạch không gian biển, đặc biệt là ở bờ Đông với 17-18 bang thì chính quyền liên bang phải làm việc rất nhiều với từng tiểu bang để có sự phối hợp nhịp nhàng trong các giấy phép, thủ tục và dữ liệu dùng cho quy hoạch. Quá trình đánh giá, rà soát và các báo cáo về tác động môi trường cũng vậy. Cơ chế đấu thầu tại Hoa Kỳ chủ yếu dựa trên giá, kết hợp với các yêu cầu của các Hiệp hội, Công đoàn và cộng đồng. Tôi đang tập trung vào một phần nhỏ là việc phân bổ địa điểm thuê, còn quá trình mua bán hợp đồng PPA sẽ có các tiêu chí khác.
Bà Adrienne Fink – Chuyên gia tư vấn cao cấp về điện gió ngoài khơi tại Hoa Kỳ của OWC: Làm thế nào để Cục Quản lý Năng lượng Đại dương Hoa Kỳ xác định được đâu là các vùng biển phù hợp để cho thuê, các bên nào được tham gia và sau khi xác định xong thì cần phát triển quy trình như thế nào?
James Bennett – Giám đốc Chương trình, Văn phòng Chương trình Năng lượng Tái tạo, Cục Quản lý Năng lượng Đại dương Hoa Kỳ (BOEM): Từ năm 2019 khi bắt đầu quy trình này thì chúng tôi phải làm việc với chính quyền liên bang và các tiểu bang để thành lập lực lượng chuyên trách. Chúng tôi xác định vai trò của từng bên và các phần mà họ đảm nhiệm. Khi xác định các vùng biển xây dựng dự án thì cần có được sự đồng thuận của các tiểu bang liên quan. Từ đó chúng tôi thiết kế cơ chế và công suất ấn định… để phát triển quy trình này.
TS. Lê Nết – Luật sư thành viên, LNT & Partners – đã có phần trình bày bổ sung về thực trạng tại Việt Nam khi các khu vực quỹ đất sử dụng thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh và có thể tổ chức đấu giá cao nhất, đấu thầu giá thấp nhất, hoặc giao trực tiếp. Tại Việt Nam, phân bổ NLTT có khoảng cách rõ rệt giữa miền Nam và miền Bắc, và Bộ Công Thương hiện đã có thông tư và dự thảo điều luật về đấu thầu, biểu giá và các tiêu chí đầu vào cho đơn vị tham gia.
Làm sao để đảm bảo tính cạnh tranh trong quá trình đấu thầu? Giá trần nên được tiết lộ thế nào trước hoặc sau quá trình đấu thầu? Nhà đầu tư nên đề xuất mức giá xác định hay chỉ tỷ lệ nào đó so với giá trần đã biết hoặc chưa biết? Nên có sự tham gia của các bên tài chính vào quá trình đấu thầu không?
Bà Phạm Thị Thúy Hà – Trưởng Ban Quản lý Đấu thầu, Tập đoàn Điện lực (EVN): Về quy trình lựa chọn đơn vị phát triển dự án, Bộ Công Thương hiện đã đưa ra các tiêu chí chuẩn bị cho cơ chế đấu thầu và EVN cũng có tham gia thảo luận trong vấn đề này. Từ góc nhìn của EVN, chúng tôi mong muốn xây dựng được cơ chế đấu thầu giá thấp đảm bảo tính cạnh tranh. Các chính sách liên quan về quỹ đất, kỹ thuật, đấu nối, cơ chế xác định giá thầu và xác định địa điểm… cần hỗ trợ tốt để phát triển môi trường đấu thầu cạnh tranh, hấp dẫn. Cần có một cơ quan đứng ra tổ chức các cuộc đấu thầu minh bạch, thông suốt cho các bên tham gia và khung pháp lý để giải quyết tranh chấp trong quá trình đấu thầu. Trong bản phác thảo đầu tiên, Bộ Công Thương đã xác định giá trần sẽ khác nhau và được công bố khi đưa ra thông tin mời thầu. Chúng tôi ưu tiên phương án bên tham gia đấu thầu đưa ra một giá xác định hơn là một tỷ lệ phần trăm. Để đảm bảo tính minh bạch, các tổ chức tài chính nên tham gia vào quá trình đấu thầu, nhất là các dự án ODA. Và dự thảo này nên được áp dụng thử nghiệm cho các dự án năng lượng tái tạo sắp tới. Các nhân tố mới cũng được khuyến khích tham gia để khuyến khích nội địa hoá, theo các điều khoản về các bên liên quan của Luật đấu thầu.
Kết thúc phiên hội thảo, bà Vũ Quỳnh Lê – Phó Cục trưởng, Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư – đại diện các thành viên Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham dự hội thảo gửi lời cảm ơn đến đại diện Bộ ngoại giao Hoa Kỳ, BOEM, USAID, WB và các Diễn giả khách mời đã dành sự quan tâm đến thị trường NLTT của Việt Nam. Bà nhấn mạnh vai trò sắp tới của Bộ Công Thương và Cục Điện lực, Cục Quản lý đấu thầu trong việc xây dựng khung cơ chế đấu thầu cạnh tranh trong ngành NLTT. Bà cũng nhận định, sau 5 phiên hội thảo với nhiều thông tin hữu ích về kinh nghiệm của các quốc gia đi trước, Việt Nam sẽ có bước chuyển mình trong việc xây dựng cơ chế và nghiên cứu khả năng áp dụng tại Việt Nam trong môi trường pháp chế và kinh doanh. Thông qua hội thảo này, bà mong muốn sẽ có thêm các chương trình trao đổi thẳng thắn và chân thành để phát triển tiếp các bài học.
Xin trân trọng cảm ơn Nhà tài trợ Nishimura & Asahi và LNT & Partners đã đóng góp cho sự thành công của phiên hội thảo này.
Chuỗi hội thảo “Kinh nghiệm quốc tế trong đấu thầu dự án năng lượng tái tạo” (IEREA2021) đã diễn ra thành công với sự đánh giá cao từ các khách mời tham gia là đại diện các Bộ, Ban, Ngành, các nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp hoạt động về năng lượng tái tạo và pháp chế. Có nhiều câu hỏi tiếp tục được gửi qua email và chúng tôi sẽ tổng hợp trên trang sự kiện của PECC3 sau khi các diễn giả trả lời. Để xem chi tiết về sự kiện, xin vui lòng truy cập website: https://event.pecc3.com.vn