Công Ty Cổ Phần Tư Vấn Xây dựng Điện 3 - Giải pháp tốt nhất cho lựa chọn tốt nhất
Chọn ngôn ngữ:
cancel
Thứ tư, 18/08/2021 | Xem bài viết Tiếng Anh

Kinh nghiệm từ Ấn Độ về đấu thầu dự án điện mặt trời

Vào 15h chiều ngày 18/08/2021 đã diễn ra phiên thứ hai trong Chuỗi hội thảo “Kinh nghiệm quốc tế trong đấu thầu dự án năng lượng tái tạo” (IEREA2021) do PECC3 phối hợp cùng Trung tâm hỗ trợ đấu thầu thuộc Cục Quản lý đấu thầu – Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức. Phiên hội thảo tập trung về nội dung kinh nghiệm của Ấn Độ trong việc xây dựng cơ chế đấu thầu dự án điện mặt trời.

IEREA-20211808-01

Mở đầu chương trình, ông Trần Quốc Điền – Phó TGĐ PECC3 – phát biểu chào mừng phiên hội thảo Ấn Độ với lời cảm ơn gửi đến đại diện Đại sứ quán và các chuyên gia Ấn Độ, đại diện các Bộ, Ngành và doanh nghiệp tham gia. Ông nhấn mạnh thông điệp về sự hợp tác chặt chẽ giữa Việt Nam và Ấn Độ và tầm quan trọng của thị trường năng lượng xanh tại Việt Nam.

IEREA-20211808-02

Bà Vũ Quỳnh Lê – Phó Cục trưởng, Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư – cũng thể hiện vinh dự khi có sự tham gia của Đại sứ quán và các chuyên gia của Ấn Độ có mặt để chia sẻ kinh nghiệm cho những nhà hoạch định chiến lược Việt Nam. Bà cũng chia sẻ thêm thông tin về Nghị quyết 55 với định hướng phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam, và mong muốn được học hỏi các kinh nghiệm từ dự án của Thủ tướng Ấn Độ về giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và các cơ quan Nhà nước trong thực hiện các dự án năng lượng tái tạo. Bà cũng gửi lời cảm ơn đến sự tham gia nhiệt tình của Hiệp hội Thương mại Ấn Độ tại Việt Nam và Liên đoàn các Phòng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ đã hỗ trợ cho Cty CP Tư vấn xây dựng điện 3 thực hiện buổi hội thảo này.

IEREA-20211808-03

Bà Bà Mini Kumam – Bí thư thứ nhất đặc trách kinh tế thương mại, Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam – có phần chia sẻ chào mừng và giới thiệu qua về chuyển dịch cơ cấu năng lượng tại Ấn Độ và mục tiêu năng lượng tái tạo đến năm 2030.

IEREA-20211808-04

Bà Ms. Malvika Kareer – Phó ban Quan hệ quốc tế, phụ trách Asean và Châu Đại Dương thuộc Liên đoàn các Phòng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ (FICCI) – cũng đã nhận định chuỗi sự kiện “Kinh nghiệm quốc tế trong đấu thầu dự án năng lượng tái tạo” lần này là một sáng kiến rất mới mẻ. Là một tổ chức thương mại được sáng lập bởi Mahatma Gandhi nhằm đưa ra các sáng kiến trong quy hoạch, FICCI mong muốn sẽ được hợp tác với Việt Nam trong nhiều hoạt động và dự án sắp tới.

IEREA-20211808-05

Diễn giả đầu tiên chia sẻ trong buổi hội thảo là ông Devin Narang – Giám đốc Sindicatum Renewable Energy. Ông kinh nghiệm của Ấn Độ khi quốc gia này đang phát triển rất nhanh trong hành trình thay đổi cơ chế quy hoạch điện mặt trời với bước chuyển mình là đấu giá ngược và tạo ra sự thành công khi tạo cơ hội cho bất cứ đơn vị nào muốn tham gia đấu thầu so với thời điểm bắt đầu xác lập giá FiT cao của 10 năm trước. Trước đây Ấn Độ đã gặp khó khăn khi quốc gia có nhiều tiểu bang với chính sách riêng, mà dự án lại được điều hành bởi Trung ương, nên các vấn đề đất đai và truyền tải cũng gặp khó khăn khi triển khai. Việc đấu giá ngược lúc này cũng gặp cản trở của nhiều loại quy chế khác nhau và gây thiệt hại cho các nhà đầu tư điện mặt trời nếu như quy hoạch không được chuẩn xác. Ấn Độ cũng đã gặp các khó khăn khác như gánh nặng lãi suất, chênh lệch giữa tốc độ và mong muốn của nhà đầu tư và của các tiểu bang với quy định của chính phủ.

IEREA-20211808-06

Trước đây nhiều dự án cũng đã bị huỷ ngang do mâu thuẫn chính sách giá. Sau đó, Bộ Năng lượng tái tạo đã cùng với sự tham mưu liên tục từ Hiệp hội các nhà phát triển năng lượng tái tạo để xử lý các vấn đề kịp thời và đảm bảo lợi ích nhiều nhất cho các nhà đầu tư, đặc biệt trong trường hợp nhà đầu tư đã tiến hành dự án rồi thì sẽ được ưu tiên hơn bởi toà án. Hiện nay chính phủ Việt Nam đang khuyến khích phát triển bền vững điện mặt trời, thì chúng tôi khuyến nghị việc hoạch định đất đai và truyền tải để có thể phát điện và đưa điện vào hệ thống lưới đồng thời. Vấn đề tài chính cũng cần được hoạch định mức tỉ giá hối đoái, lãi suất và lợi nhuận theo giai đoạn phù hợp.

IEREA-20211808-07

Từ góc nhìn của pháp chế, bà Poonam Verma – Luật sư thành viên, J. Sagar Associates – cũng đã giới thiệu chi tiết các điểm đáng lưu ý trong đấu thầu dự án năng lượng tái tạo tại Ấn Độ. Trong 6 năm qua thì công suất điện mặt trời tại Ấn Độ đã tăng 6 lần và vượt kế hoạch 4 năm về phát triển năng lượng tái tạo, trong đó có vai trò lớn của Bộ Năng lượng tái tạo quốc gia. Bà cũng chia sẻ cuộc cách mạng năng lượng tái tạo tại Ấn Độ theo từng dấu mốc phát triển. Ấn Độ đã phân bổ nguồn ngân sách rất lớn (351 triệu USD) cho việc phát triển các dự án điện mặt trời, bao gồm lưới. Trong đó, Bộ Năng lượng tái tạo đặc biệt quan tâm đến việc hỗ trợ các nhà đầu tư và các sáng kiến mới. Ở Ấn Độ có một thuật ngữ là “công viên năng lượng mặt trời” và các tiểu bang cũng đã đang chuẩn bị sẵn sàng cơ sở hạ tầng đất đai, hướng đến việc phục vụ đấu nối đường dây và phát điện. Công viên có công suất lớn nhất là 30GW đang được thực hiện tại Gujarat. Ấn Độ cũng có cơ chế ưu đãi cho các doanh nghiệp sản xuất hoặc nhập khẩu thiết bị điện mặt trời.

Sau khi chia sẻ nhiều thông tin về sự hỗ trợ của Chính phủ dành cho doanh nghiệp trong ngành và đặc biệt hỗ trợ cho các nhà đầu tư tham gia, bà Poonam nhấn mạnh việc Chính phủ đã đưa ra cơ chế giảm thiểu can thiệp vào quản lý phân phối điện sau khi sản xuất, tạo cơ hội tối đa cho các nhà đầu tư. Sự hỗ trợ của Liên Hiệp Quốc và Ngân hàng Thế giới cũng đã giúp cho Ấn Độ hoàn thành vượt kế hoạch 100GW điện gió và 60GW điện mặt trời (theo kế hoạch vào năm 2022). Nhờ nguồn vốn dồi dào và sự tham gia của ngày càng nhiều các nhà đầu tư mà giá điện mặt trời tại Ấn Độ đang ngày càng thấp.

IEREA-20211808-08

Để giải quyết các vấn đề tranh chấp thì Ấn Độ có Uỷ ban Quản lý điện lực Trung ương và của từng tiểu bang, cùng với việc phát hành Nghị định, điều luật liên quan theo từng giai đoạn thầu và thực hiện dự án để áp dụng giải quyết tranh chấp. Điểm mấu chốt là Ấn Độ cho phép tạo ra môi trường mở và hỗ trợ cho các bên có thể được điều kiện tối đa để giải quyết thoả đáng. Các hiệp ước song phương, đa phương, các điều ước quốc tế, trọng tài hoặc hoà giải quốc tế cũng được áp dụng trong trường hợp các nhà đầu tư nước ngoài cần đến. Bà cũng chia sẻ các ví dụ thực tế đã gặp ở Ấn Độ về việc giải quyết tranh chấp trong đấu thầu ngành năng lượng tái tạo. (Chi tiết xem tại video hội thảo)

IEREA-20211808-09

Phiên toạ đàm được điều phối bởi ông Vaibhav Saxena – Luật sư nước ngoài tại VILAF kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội thương mại Ấn Độ tại Việt Nam.

Cơ chế giá hiện nay đang có những bất cập nào đối với nhà đầu tư và nên được điều chỉnh ra sao? Nếu đơn vị chào giá thấp nhất không đảm bảo được các tiêu chí kỹ thuật thì liệu họ có thể giữ được giá đã chào hay phải thương thảo lại hợp đồng với giá thấp hơn?

Bà Poonam Verma – Luật sư thành viên, J. Sagar Associates: Khi đó các nhà đầu tư vẫn có thể cố gắng hết sức để thương thảo với chính phủ, còn phía chính quyền cũng không được ép giá mà nhà đầu tư có quyền hoàn toàn tự do, kể cả việc huỷ tham gia thầu nếu nhà đầu tư cảm thấy không thể đáp ứng được mức giá thấp hơn. Nếu phải đưa ra toà án, thông thường toà án sẽ ủng hộ phía nhà đầu tư vì họ đã làm đúng theo các quy trình và thủ tục được đưa ra. Trong một số ít trường hợp nếu phía chính phủ đưa ra được luận chứng về việc buộc phải giảm giá trong hợp đồng này thì toà án sẽ xử về phía chính phủ.

Liệu có cách thức đưa ra khung pháp lý khi đấu thầu để tránh rủi ro sau này?

PGS. TS. Nguyễn Minh Hằng – Tổng thư ký, Trung tâm hòa giải thương mại quốc tế Việt Nam: Các nhà đầu tư luôn nghĩ rất xa về cách giải quyết khi có tranh chấp trong tương lai. Thì hôm nay phía Ấn Độ có cơ chế giải quyết tranh chấp rất hiệu quả cho ngành năng lượng tái tạo. Áp dụng tại Việt Nam thì đã có Luật Đấu thầu 2013 (Điều 92), Luật PPP 2020 (Điều 95, 96) và cụ thể hoá trong Nghị định năm 2021 (Điều 73, 74, 75) thì chúng ta đã có Hội đồng Tư vấn giải quyết kiến nghị. Hội đồng có ở cấp Trung ương, cấp Bộ và cấp địa phương, tuy nhiên chưa có ràng buộc mà chỉ tham khảo. Vì vậy chúng tôi khuyến nghị việc tổ chức hội đồng này một cách mạnh mẽ hơn để nếu Hội đồng đưa ra quyết định thì quyết định sẽ được thi hành. Các nhân sự tham gia Hội đồng cũng cần có chuyên gia từ các ngành liên quan. Từ đó, các nhà đầu tư không chỉ thấy Hội đồng Tư vấn này chỉ “tư vấn” thôi, hoặc chỉ ủng phía chính phủ mà không ủng hộ công bằng cho nhà đầu tư. Ngoài ra xu hướng hiện nay là sử dụng hoà giải tranh chấp thay vì toà án, và chúng ta có thể học tập Ấn Độ trong việc sử dụng guideline (hướng dẫn) trong việc áp dụng các cách thức phù hợp trong từng giai đoạn của dự án.

IEREA-20211808-10

Bà Poonam Verma – Luật sư thành viên, J. Sagar Associates: Ở Ấn Độ cũng có một Uỷ ban phụ trách giải quyết các tranh chấp trong hợp đồng ngành năng lượng. Uỷ ban có 3 thành viên và trong đó có 1 thành viên từ chính phủ. Tại Ấn Độ thì các quyết định của Uỷ ban cũng không bắt buộc phải thực hiện, tuy nhiên các bên liên quan có thể cân nhắc nếu làm theo quyết định của Uỷ ban mà giải quyết được vấn đề thì không cần phải dùng phương pháp toà án. Họ cũng sử dụng thêm các Nghị định, Quyết định để hạn chế tối đa việc phải ra toà nếu có tranh chấp. Cơ chế tại từng tiểu bang được xây dựng khá mở và đảm bảo tính thực thi của hợp đồng được phát huy nhất có thể.

Khung pháp lý cho việc giải quyết tranh chấp tại Ấn Độ đã được xây dựng như thế nào khi có xung đột giữa nhà đầu tư và các tiểu bang?

Bà Poonam Verma – Luật sư thành viên, J. Sagar Associates: Về cơ bản thì các bên ưu tiên giải quyết nhẹ nhàng, dù có ra toà hay không. Thực tế có những dự án phải mất 10 năm và cả tỉ USD để xử lý bằng toà án. Vì đây đều là các dự án có quy mô lớn nên nếu phải ra toà thì đó sẽ thành một quy trình rất phức tạp nên chúng tôi ưu tiên giải quyết cấp thấp hoặc ngoài toà án nếu vẫn đảm bảo được quyền lợi cho nhà đầu tư. Ngoài ra nếu có sự đồng thuận và thoả thuận với nhau về việc sử dụng luật nào để giải quyết tranh chấp thì các bên sẽ tự thực hiện, tuỳ theo từng trường hợp cụ thể. Không biết các chuyên gia khác thì có ý kiến như thế nào không ạ?

Bà Vũ Thị Châu Quỳnh – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Lĩnh vực năng lượng là một ngành lớn và thường xuyên có xảy ra tranh chấp do sự tham gia của các bên rất nhiều, bình quân 20% số dự án đều có tranh chấp và theo số liệu của ICC thì 17% các tranh chấp là thuộc ngành năng lượng. Và bởi vì cơ chế đấu thầu ngành năng lượng khá phức tạp nên khi tổ chức đấu thầu, nếu có tranh chấp xảy ra thì thường sẽ là giữa doanh nghiệp và Nhà nước ở giai đoạn tiền đầu tư chưa đưa vào. Trên thế giới đã có những trường hợp nhà đầu tư sử dụng các hiệp ước quốc tế để loại chính phủ ra khỏi các bên mua bán trong dự án năng lượng, hoặc thậm chí đưa chính phủ ra toà án quốc tế để giải quyết tranh chấp trong trường hợp quá trình đấu thầu không đủ minh bạch, và phải bồi thường các thiệt hại liên quan cho doanh nghiệp. Tôi nghĩ cần có quy định về các vi phạm rõ ràng, còn tranh chấp về thương mại thì hiếm khi được đưa ra toà án quốc tế giữa bên chính phủ và bên nhà đầu tư.

IEREA-20211808-11

Bà Lại Thị Vân Anh – Phó Vụ trưởng, Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp: Khả năng xảy ra tranh chấp giữa Nhà nước và nhà đầu tư là rất ít vì đã được quy định rõ trong các điều luật và nghị định. Tuy tỷ lệ tranh chấp ngành năng lượng là cao nhất nhưng đa phần là giai đoạn đã có bên thắng thầu và tranh chấp ở các giai đoạn thực hiện, còn thực tế tranh chấp ở giai đoạn đấu thầu thì không nhiều.Về việc điều chỉnh giá thì thường đến từ nhu cầu của nhà đầu tư hơn là phía chính phủ. Ngoài ra quy trình mời thầu và đấu thầu cũng nên được chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi hai bên tham gia và ký hợp đồng.

PGS. TS. Nguyễn Minh Hằng – Tổng thư ký, Trung tâm hòa giải thương mại quốc tế Việt Nam: Tôi cũng đồng ý với chị Quỳnh và chị Vân Anh về khả năng xảy ra tranh chấp giữa Nhà nước và nhà đầu tư là không nhiều trong đấu thầu. Tuy nhiên chúng ta cần có cơ chế trong nước để đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư. Hiện tại “Hội đồng Tư vấn giải quyết kiến nghị” chưa đủ mạnh mẽ, dù đã có sự tham gia của Cục Điều tiết Điện lực trong giải quyết tranh chấp các hợp đồng mua bán PPA. Chúng tôi nghĩ là nếu cơ chế vừa khách quan, vừa có hiệu lực ràng buộc đối với các bên trong việc giải quyết tranh chấp, vừa tạo niềm tin cho nhà đầu tư. Lúc này các bên sẽ cùng tạo ra một Hội đồng có tiến trình xử lý nhanh hơn hoặc những cơ chế hiệu quả hơn, và xây dựng bộ hướng dẫn chi tiết các cách thức hoà giải thương mại, trọng tài thương mại hay các cách thức khác để giải quyết.

Có những đề xuất nào dành cho Việt Nam trong việc thiết kế cơ chế đấu thầu từ góc nhìn kinh nghiệm của Ấn Độ?

Bà Poonam Verma – Luật sư thành viên, J. Sagar Associates: Một trong những yếu tố quan trọng là chúng ta cần dự đoán trước được các khả năng có thể xảy ra và có những điều khoản đặc biệt cho các trường hợp bất khả kháng, các sự thay đổi, điều kiện chấm dứt hợp đồng và các cơ chế giải quyế tranh chấp… Các thông tin này cần xây dựng trước khi thiết kế một mô hình đấu thầu. Và khi đã có đơn vị thắng thầu thì vấn đề quan trọng khác là quản lý hợp đồng, cần có các ban về quản trị rủi ro… cần được theo dõi sát sao để hạn chế các vấn đề phát sinh.

Bà Lại Thị Vân Anh – Phó Vụ trưởng, Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp: Chúng ta đã đề cập nhiều về việc xây dựng cơ chế đấu thầu, tôi nghĩ chúng ta cần tập trung thêm vào các tiêu chí năng lực kỹ thuật và năng lực tài chính của nhà đầu tư tham gia. Có những trường hợp nhà đầu tư thắng thầu và đạt đồng thuận về giá nhưng lại không đảm bảo được chất lượng yêu cầu, và lúc đó Nhà nước buộc phải chấm dứt hợp đồng với nhà đầu tư đó và sẽ xảy ra tranh chấp. Vì vậy tôi nghĩ điều kiện đầu tiên và quan trọng là việc cân nhắc kỹ các tiêu chí trong giai đoạn chuẩn bị hồ sơ mời thầu. Ngoài ra việc đề cập trước các điều khoản về tranh chấp hoặc điều khoản giá cũng nên đưa vào hồ sơ mời thầu một cách minh bạch để giảm thiểu vấn đề trong tương lai.

IEREA-20211808-12

Bà Vũ Thị Châu Quỳnh – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Để giải quyết tranh chấp đặc biệt trong các dự án năng lượng tái tạo thì chính sách đấu thầu cần phù hợp với chính sách của Pháp luật Nhà nước. Chúng ta đấu thầu không chỉ để tìm một đơn vị đáp ứng giá, mà còn để tìm đơn vị có năng lực kỹ thuật và tài chính phù hợp cho một dự án cụ thể; chứ không chỉ tổ chức thầu chủ yếu để bán năng lượng tái tạo cho EVN hoặc phía Nhà nước mà thôi. Tôi đồng ý với chị Vân Anh về việc chuẩn bị hồ sơ mời thầu, chúng ta cần nâng cao năng lực và đào tạo thêm cho việc đưa ra các mô hình đấu thầu. Ngoài ra việc xây dựng cơ chế điều chỉnh giá để phù hợp với điều kiện hoàn cảnh và đạt mục tiêu khuyến khích các nhà thầu, ví dụ như ở Tây Ban Nha khi mời thầu với giá FiT không thời hạn và sau đó chính phủ không có đủ nguồn lực viện trợ và thiết bị cũng đã khấu hao, họ đã giảm giá FiT và gây ra không ít thiệt hại cho các nhà đầu tư trong phần chi phí đã dự trù. Các cơ chế khuyến khích, chính sách thuế, quy hoạch rõ ràng cũng là điều kiện để nhà đầu tư tính toán được các thông số cho toàn bộ quá trình và hạn chế tranh chấp. Ngoài ra việc sử dụng các phương pháp thay thế như các tổ chức hoà giải hoặc trọng tài cũng là điều nên được khuyến khích.

Những câu chuyện thành công và bài học rút ra từ Ấn Độ có thể áp dụng được cho Việt Nam trong tương lai?

Bà Poonam Verma – Luật sư thành viên, J. Sagar Associates: Vấn đề lớn nhất mà Ấn Độ đã giải quyết được chính là xử lý tranh chấp trong thời gian ngắn. Dự án đa quốc gia và có quy mô lớn nên thời gian xử lý dài sẽ càng gây ra thiệt hại cho các bên, vì vậy chúng tôi ưu tiên giải quyết các tranh chấp (mà chủ yếu là nguồn vốn) trước khi phải ra toà. Dự án được tổ chức, bàn giao, giải quyết đúng thời hạn để bảo vệ quyền lợi của các bên liên quan và cố gắng làm được thì chúng ta sẽ thấy khung hành lang pháp lý sẽ được hoàn chỉnh trong vòng 3-4 năm. Ngoài ra là các cơ chế thanh toán cũng được đề xuất rõ trong hợp đồng để hỗ trợ bền vững cho một hợp đồng kéo dài 25 năm chẳng hạn, khi đó các bên đều đã phải có cái nhìn tổng quan về quá trình dài. Hiện tại nhu cầu của các bên đều được đáp ứng và khung hành lang pháp lý vững mạnh cũng được xây dựng để hỗ trợ cho cả phía nhà đầu tư lẫn chính phủ.

Việt Nam có khởi đầu tốt hơn Ấn Độ về các điều kiện mà bà Poonam đã trình bày, phía đại diện Việt Nam thì có những kiến nghị nào không ạ?

Bà Lại Thị Vân Anh – Phó Vụ trưởng, Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp: Chính sách đầu tư của chính phủ cần hợp lý và thống nhất, không thay đổi thường xuyên theo chỉ thị hay dự án vì sẽ tạo ra các sự bất đồng không cần thiết. Tôi đã chứng kiến việc thay đổi chính sách đã tạo ra nhiều tranh chấp và khó khăn cho các bên tham gia.

Vai trò và tính thực thi của Hội đồng Tư vấn giải quyết kiến nghị?

PGS. TS. Nguyễn Minh Hằng – Tổng thư ký, Trung tâm hòa giải thương mại quốc tế Việt Nam: Hội đồng Tư vấn giải quyết kiến nghị được quy định trong cả Luật Đấu thầu lẫn Luật PPP, khá phù hợp với bối cảnh hiện nay. Như tôi đã chia sẻ ở trên thì dù đã có quy định thành lập ở các cấp thì tôi vẫn kiến nghị thêm. Thứ nhất là bổ sung các chuyên gia để có góc nhìn về pháp lý, kỹ thuật và tài chính để có thể tư vấn giải quyết các vấn đề của các nhà đầu tư thoả đáng nhất. Thứ hai là riêng với dự án năng lượng tái tạo thì cơ chế cần được mạnh mẽ hơn nữa, để kiến nghị của Hội đồng mang tính chất ràng buộc. Từ đó chúng ta hoàn toàn có thể hỗ trợ tốt hơn cho các dự án trên cơ sở áp dụng Luật PPP khi có cơ chế đấu thầu công khai.

Bà Lại Thị Vân Anh – Phó Vụ trưởng, Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp: Tôi bổ sung về điều khoản 97 Luật PPP có thể áp dụng cho tất cả các tranh chấp giữa đối tác doanh nghiệp, nhà đầu tư và chính phủ. Điều khoản này không khác nhiều so với điều khoản giải quyết xung đột trong Luật đầu tư, từ đó chúng ta có thêm cách tiếp cận để giải quyết xung đột cho các dự án PPP.

IEREA-20211808-13

Bà Nguyễn Thị Diệu Phương – Giám đốc Trung tâm hỗ trợ đấu thầu cũng đã thay mặt cho ban tổ chức phát biểu kết thúc hội thảo hôm nay. Bà chia sẻ thời điểm hiện tại, Quốc hội Việt Nam và Chính phủ Việt Nam đều quan tâm đến việc giải quyết tranh chấp các dự án đầu tư công và PPP. Rất mong các đại diện từ Ấn Độ và chuyên gia trong ngành tại Việt Nam sẽ giúp đỡ và hướng dẫn các cơ quan hoạch định chính sách và quá trình thực tiễn để hỗ trợ cho các dự án nói chung và dự án năng lượng tái tạo nói riêng.

IEREA-20211808-14

Anh Nguyễn Tuấn Phát – Phòng Pháp chế PECC3 dẫn dắt các phần nội dung của hội thảo

Để đăng ký nghe lại phiên hội thảo Ấn Độ cũng như 3 phiên hội thảo tiếp theo về kinh nghiệm của Vương quốc Anh, Đức và Hoa Kỳ, xin vui lòng xem chi tiết tại website của chuỗi sự kiện: https://event.pecc3.com.vn

Page top