Công Ty Cổ Phần Tư Vấn Xây dựng Điện 3 - Giải pháp tốt nhất cho lựa chọn tốt nhất
Chọn ngôn ngữ:
cancel
Thứ sáu, 29/09/2023 | Xem bài viết Tiếng Anh

CẬP NHẬT TÌNH HÌNH XÂY DỰNG CƠ CHẾ HỢP ĐỒNG MUA BÁN ĐIỆN TRỰC TIẾP (DPPA) TẠI VIỆT NAM

Ngày 13/9/2023, Bộ Công Thương (BCT) đã gửi đến Thủ tướng Chính phủ Báo cáo số 158/BC-BCT, về việc Nghiên cứu xây dựng cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái lạo với khách hàng sử dụng điện lớn (Báo cáo 158); đây là văn bản tiếp nối Báo cáo số 105/BC-BCT ngày 25/07/2023 với nội dung tương tự (Báo cáo 105). So với Báo cáo 105, Báo cáo 158 có thêm một số góp ý mới từ Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính, cùng đề xuất mới của BCT trong việc xây dựng và ban hành quy định về cơ chế DPPA. Cơ chế DPPA, căn cứ theo Báo cáo số 94/BC-BCT ngày 29/10/2021, được xây dựng trên mục tiêu tổng thể: Đáp ứng nhu cầu sử dụng năng lượng sạch của khách hàng; góp phần thu hút vốn đầu tư vào việc phát triển bền vững năng lượng tái tạo (NLTT); và là bước chuẩn bị cần thiết để chuyển sang vận hành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh tại Việt Nam.

Cơ sở pháp lý và mô hình DPPA được lựa chọn

Theo Báo cáo 158, việc xây dựng cơ chế DPPA được căn cứ theo điểm b khoản 1 Điều 47 Luật Điện lực quy định về quyền của khách hàng sử dụng điện lớn, đó là quyền “Mua điện trực tiếp của đơn vị phát điện thông qua hợp đồng có thời hạn hoặc mua điện giao trên thị trường điện lực”; Bộ Tư pháp đã thống nhất cơ sở pháp lý này. Dựa trên đó, 2 trường hợp áp dụng DPPA được BCT lựa chọn tại Việt Nam:DPPA thông qua đường dây riêng: Các bên ký kết DPPA để giao nhận điện thông qua đường dây kết nối trực tiếp mà không thông qua lưới điện quốc gia. Mô hình còn được gọi là DPPA “vật lý” hay “sau công tơ điện” (Physical or Behind-the-meter DPPA) và đã được áp dụng trên thực tế đối với các dự án điện mặt trời mái nhà theo Thông tư 18/2020/TT-BCT.

dppa1

DPPA thông qua lưới điện quốc gia: Trường hợp này còn được gọi là DPPA “Ảo” hay “Tài chính” (Virtual/financial PPA). Các bên ký kết Hợp đồng kỳ hạn dạng chênh lệch – hay còn được gọi là Hợp đồng sai khác – (Contract for Difference – CfD) với giá điện (cho 1 MWh/kWh) và sản lượng điện (MWh) do các bên thỏa thuận. Căn cứ theo CfD, Đơn vị phát điện tham gia thị trường điện, kết nối với lưới điện quốc gia, và đảm bảo chào bán sản lượng điện đã thỏa thuận với khách hàng vào thị trường bán buôn điện cạnh tranh. Việc thanh toán giữa bên bán và bên mua sẽ được thực hiện dựa trên nguyên tắc Hợp đồng sai khác: mỗi chu kì thanh toán (tháng/quý, tùy theo thỏa thuận hợp đồng) hai bên sẽ thanh toán cho nhau phần chênh lệch giữa giá điện hợp đồng và giá tham chiếu – giá thị trường điện giao ngày – cho toàn bộ sản lượng điện giao nhận trong thời gian đó theo hợp đồng. Chẳng hạn, nếu giá thị trường điện giao ngay thấp hơn giá hợp đồng, tức bên bán đang “lỗ”, khách hàng sẽ bù phần giá trị chênh lệch nhằm giúp đơn vị phát điện hưởng đúng giá để đạt được lợi nhuận dự kiến. Mục đích của DPPA ảo, như một bảo đảm tài chính, là giúp đơn vị phát điện dự án năng lượng tái tạo tránh khỏi những biến động về giá trên thị trường.

Đối với trường hợp DPPA thông qua đường dây riêng, các bên không bị giới hạn bởi các điều kiện như công suất, sản lượng, cấp điện áp, và mục đích sử dụng điện. Trong khi đó, để tham gia DPPA thông qua lưới điện quốc gia, nhà máy điện gió hoặc mặt trời phải có công xuất lắp đặt từ 10MW trở lên, và khách hàng mua điện tối thiểu từ cấp điện áp 22kV.

Về phía khách hàng mua điện, BCT đề xuất áp dụng 2 mô hình để khách hàng thanh toán giá điện nhận được từ các đơn vị bán lẻ điện:

Mô hình 1 – Khánh hàng mua điện theo giá bán lẻ điện do Nhà nước quy định từ đơn vị bán lẻ điện cho toàn bộ sản lượng điện sử dụng theo cách thức thực hiện hoàn toàn tương tự như hiện nay, theo cơ cấu biểu giá quy định tại Quyết định số 28/2014/QD-TTg và Quyết định số 24/2017/QD-TTg, cũng như các văn bản hướng dẫn liên quan.

Mô hình 2 – Khách hàng mua điện theo giá thị trường điện giao ngay, cộng với các loại giá dịch vụ (bao gồm (1) giá truyền tải điện, phân phối điện, (ii) giá điều độ vận hành hệ thống điện, (iii) giá điều hành giao dịch thị trường điện lực, (iv) giá dịch vụ phụ trợ hệ thống điện). Ở phương án này, tổng chi phí mua điện của khách hàng từ đơn vị bán lẻ bằng tổng của chi phí điện năng và chi phí dịch vụ trong chu kỳ giao dịch.

dppa2

Lộ trình triển khai cơ chế DPPA

BCT cho rằng mô hình mà khánh hàng mua điện theo giá bán lẻ điện do Nhà nước quy định từ đơn vị bán lẻ điện (Mô hình 1) không đòi hỏi phải sửa đối bổ sung nhiều các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn liên quan. Trong khi đó, việc áp dụng mô hình mà khách hàng có thể mua điện theo giá bán buôn, cộng với các loại phí dịch vụ điện (Mô hình 2), đòi hỏi hiệu chỉnh, ban hành bổ sung các quy định pháp lý hướng dẫn về: (i) tính toán giá phân phối điện; (ii) tính toán giá điều độ vận hành hệ thống điện và giá điều hành giao dịch thị trường điện; (iii) tính toán giá dịch vụ phụ trợ hệ thống điện và các chi phí thanh toán khác; (iv) các hợp đồng mua bán điện mẫu. Thời điểm áp dụng Mô hình 2 phụ thuộc vào thời điểm có hiệu lực của Luật Giá 2023 (ngày 1/7/2024).

BCT đề xuất thực hiện cơ chế DPPA thành 2 giai đoạn, Mô hình 1 sẽ được triển khai cho đến khi Luật giá và các văn bản hướng dẫn liên quan có hiệu lực, và hệ thống cơ sở pháp lý được hoàn thiện để chuyển sang Mô hình 2: khách hàng mua điện theo giá điện phản ánh đúng và đầy đủ theo giá điện thị trường điện giao ngay cộng với các loại giá dịch vụ.

Ở Báo cáo 105, BCT kiến nghị Thủ tướng cho phép xây dựng Nghị định của Chính phủ về cơ chế DPPA theo trình tự, thủ tục rút gọn. Tuy nhiên, theo ý kiến của Bộ Tư pháp, Luật Điện lực không có điều khoản cụ thể giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung về cơ chế DPPA; do đó, cơ sở pháp lý, thẩm quyền ban hành Nghị định của chính phủ, theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đối với cơ chế này cần phải được làm rõ. Bộ Tài chính cũng nêu ý kiến rằng cơ chế CfD chưa được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật; cho nên đề nghị BCT nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền ban hành quy định pháp luật liên quan để có căn cứ xác định cơ chế thuế giá trị gia tăng cho dạng hợp đồng này. Theo Báo cáo 105 và 158, BCT cũng cho rằng CfD là “loại hợp đồng chưa được định nghĩa rõ tại Luật Điện lực cũng như chưa có sự liên kết giữa quy định về hợp đồng này trong Luật Điện lực với Hợp đồng của Luật Thương mại, Luật Thuế giá trị gia tăng như các dạng hợp đồng tài chính phái sinh khác”. Từ các ý kiến trên, BCT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định về việc bổ sung nội dung quy định về cơ chế DPPA vào luật sửa đổi, bao gồm thẩm quyền ban hành quy định và cơ chế CfD. Đề xuất này thống nhất với đề xuất đã được nêu Tờ trình 4999/TTr-BCT ngày 31/7/2023 về đề nghị xây dựng Luật Điện lực (sửa đổi). Theo Tờ trình, dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) được dự kiến trình Quốc hội để lấy ý kiến tại kỳ họp thứ Tám Quốc hội khóa XV (10-11/2024), trình Quốc hội để thông qua tại kì họp thứ Chín Quốc hội khóa XV (5-6/2025) và có hiệu lực từ ngày 01/01/2026.

dppa3
Page top