Nhà máy thuỷ điện Đồng Nai 5 có công suất lắp máy 150MW thuộc bậc thang trung lưu khai thác tổng hợp năng lượng trên sông Đồng Nai, diện tích lưu vực sông tính đến tuyến công trình dự án thủy điện Đồng Nai 5 là 6144 km2. Công trình nằm trong địa phận hai tỉnh Lâm Đồng và Đăk Nông, cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 220 km theo Quốc lộ 13 và Quốc lộ 14 về hướng Đông – Đông Bắc. Khu vực tuyến đập bờ phải thuộc xã Đăk Sin huyện Đăk R’Lấp tỉnh Đăk Nông, bờ trái thuộc xã Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng. Tuyến đầu mối công trình cách nhà máy thủy điện Đồng Nai 4 khoảng 20 km về phía hạ lưu và có tọa độ địa lý là: Kinh độ = 1070 33’’; vĩ độ = 110 47”.
Nhà máy thủy điện Đồng Nai 5 gồm hồ chứa được tạo nên bởi đập dâng chính thiết kế với kết cấu RCC – bê tông đầm lăn, cao trình đỉnh đập là 293 m so với mặt nước biển, chiều rộng đỉnh đập 10 m, chiều dài đập theo đỉnh 471 m, chiều cao đập lớn nhất 72 m, đập tràn xả lũ có lưu lượng xả tối đa là 11.224 m³/s.
Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 3 là đơn vị Tư vấn thực hiện các công tác giám sát thi công xây dựng công trình nhà máy thủy điện Đồng Nai 5 từ Quý II năm 2010 đến tháng 12/2015 với các nội dung công việc:
Giám sát thi công xây dựng công trình ở tất cả hạng mục thực hiện theo thiết kế 3 bước;
Giám sát công tác lắp đặt thiết bị bao gồm cả các công tác thí nghiệm, hiệu chỉnh và chạy máy;
Thẩm tra thiết kế bản vẽ thi công;
Tham gia nghiệm thu công trình.
Với nhiệm vụ phát điện theo quy mô công suất thiết kế Nlm = 150 MW và điện lượng hàng năm khoảng 646,45 triệu kWh, nhà máy thủy điện Đồng Nai 5 cung cấp cho hệ thống điện quốc gia và cho ngành công nghiệp khai thác – sản xuất nhôm, bauxite tại địa bàn hai tỉnh Đăk Nông và Lâm Đồng. Cùng việc phát huy hiệu ích dòng chảy đã được điều tiết từ các hồ chứa phía thượng lưu như Đồng Nai 2, 3, 4 và Đak Tih, công trình này tạo điều kiện để phát triển giao thông, cơ sở hạ tầng và thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực.
Trải qua hơn 5 năm vận hành kể từ ngày tích nước hồ chứa, nhà máy thuỷ điện Đồng Nai 5 đã cung cấp hàng triệu kWh lên lưới điện quốc gia, góp phần quan trọng vào việc cung cấp nguồn nước tưới tiêu vào mùa kiệt và giảm thiểu rủi ro cho vùng hạ du vào mùa mưa lũ.