Công Ty Cổ Phần Tư Vấn Xây dựng Điện 3 - Giải pháp tốt nhất cho lựa chọn tốt nhất
Chọn ngôn ngữ:
cancel
Thứ ba, 17/08/2021 | Xem bài viết Tiếng Anh

Giải quyết kiến nghị trong lựa chọn nhà đầu tư và giải quyết tranh chấp theo Luật PPP và Nghị định 35/2021 hướng dẫn Luật PPP

Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư số 64/2020/QH14 do Quốc hội ban hành ngày 18 tháng 6 năm 2020 (“Luật PPP”) có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2021. Nghị định 35/2021/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 29 tháng 3 năm 2021 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật PPP (“Nghị định 35”) có hiệu lực từ ngày 29 tháng 3 năm 2021.

Giải quyết kiến nghị trong lựa chọn nhà đầu tư và giải quyết tranh chấp giữa cơ quan nhà nước, các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP hoặc các bên liên quan khác được quy định tại Luật PPP và Nghị định 35 với những điểm đáng lưu ý như sau:

  • Chủ thể được quyền kiến nghị. (i) Nhà đầu tư tham dự thầu; (ii) nhà đầu tư có tên trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia đối với kiến nghị về hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời đàm phán, hồ sơ mời thầu căn cứ theo điểm a, khoản 1 và điểm a, khoản 2, Điều 73 Nghị định 35.
  • Quyền của nhà đầu tư trong việc giải quyết kiến nghị. (i) Kiến nghị với bên mời thầu, cơ quan có thẩm quyền về quá trình lựa chọn nhà đầu tư, kết quả lựa chọn nhà đầu tư hoặc (ii) khởi kiện ra Tòa án trong thời hiệu căn cứ theo điểm a, b Khoản 1 Điều 95 Luật PPP.
  • Điều kiện để xem xét, giải quyết kiến nghị. (i) Đơn kiến nghị phải được đại diện hợp pháp của nhà đầu tư hoặc người ký đơn dự sơ tuyển, đơn dự thầu ký tên, đóng dấu ký tên, đóng dấu; (ii) bên mời thầu, cơ quan có thẩm quyền hoặc bộ phận thường trực giúp việc của Hội đồng tư vấn nhận được đơn kiến nghị; (iii) nhà đầu tư tuân thủ quy trình giải quyết kiến nghị và (iv) nội dung kiến nghị chưa được nhà đầu tư khởi kiện ra Tòa án căn cứ theo Điều 73 Nghị định 35.
  • Quy trình giải quyết kiến nghị. Nhà đầu tư gửi văn bản kiến nghị cho bên mời thầu. Bên mời thầu phải có văn bản giải quyết kiến nghị gửi đến nhà đầu tư trong thời hạn quy định. Nhà đầu tư được quyền gửi kiến nghị cơ quan có thẩm quyền nếu (i) bên mời thầu không có văn bản giải quyết kiến nghị hoặc (ii) nhà đầu tư không đồng ý với kết quả giải quyết kiến nghị căn cứ theo điểm c, khoản 1 và điểm c, khoản 2, Điều 96 Luật PPP.
  • Nguyên tắc. Cơ quan có thẩm quyền sẽ không xem xét, giải quyết kiến nghị nếu (i) nhà đầu tư không tuân thủ theo quy trình giải quyết kiến nghị căn cứ theo khoản 3, Điều 96 Luật PPP và (ii) nhà đầu tư đã khởi kiện ra Tòa án căn cứ theo khoản 2, Điều 95 Luật PPP.
  • Phương thức giải quyết tranh chấp đối với tranh chấp giữa cơ quan có thẩm quyền, cơ quan ký kết hợp đồng với nhà đầu tư (trong nước hoặc nước ngoài). (i) thương lượng; (ii) hòa giải; (iii) Trọng tài Việt Nam; (iv) Tòa án Việt Nam căn cứ theo Khoản 1 và 2 Điều 97 Luật PPP, trừ trường hợp có thỏa thuận khác theo hợp đồng hoặc điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.
  • Phương thức giải quyết tranh chấp đối với tranh chấp giữa các nhà đầu tư trong đó có ít nhất một nhà đầu tư nước ngoài. (i) thương lượng; (ii) hòa giải; (iii) Trọng tài Việt Nam; (iv) Tòa án Việt Nam; (v) Trọng tài nước ngoài; (vi) Trọng tài quốc tế; (vii) Trọng tài do các bên tranh chấp thỏa thuận thành lập căn cứ theo Khoản 1, 3 và 4 Điều Điều 97 Luật PPP.

IEREA 17082021

Bài viết liên quan: https://www.pecc3.com.vn/en/tackling-dispute-resolution-with-lessons-from-india/ 

 

Tổng hợp: Phạm Trần Bảo Khánh/Nguyễn Tuấn Phát (phòng Pháp chế PECC3)

 

Page top