Nhà máy thủy điện Thác Mơ nằm trên thượng nguồn sông Bé, thuộc địa phận 3 huyện, thị (thị xã Phước Long, huyện Bù Đăng và huyện Bù Gia Mập) tỉnh Bình Phước, công trình cách thành phố Hồ Chí Minh về phía Tây Nam 170 km, đây là bậc thang trên cùng của tổng sơ đồ khai thác năng lượng của lưu vực sông Bé.
Công trình được khởi công xây dựng cuối năm 1991, thuộc công trình cấp II. Đến năm 1995, đưa vào vận hành với 02 tổ máy, tổng công suất lắp đặt là 150 MW, cung cấp điện cho Hệ thống điện miền Nam ở giai đoạn 1995-2000 và đến nay thì đã được hòa vào lưới điện của Quốc gia với sản lượng điện hàng năm 610 triệu KWh. Ngoài ra, chế độ điều tiết của Nhà máy thủy điện Thác Mơ sẽ tạo nguồn nước cho tưới tiêu và sinh hoạt đối với khu vực hạ du sông Bé – Phước Hòa – Thành phố Hồ Chí Minh, với lưu lượng mùa khô 56m3/s.
Toàn cảnh tổ máy phát H1 và H2
Tính đến thời điểm hiện tại, các tổ máy phát của nhà máy thủy điện (NMTĐ) Thác Mơ đã vận hành xấp xỉ 30 năm. Hiện tượng già hóa cơ học vật liệu (đặc biệt là các vật liệu cách điện) ngày càng xuất hiện rõ rệt với tần suất cao. Hơn nữa, các thiết bị điện hiện hữu tại 02 tổ máy được sản xuất thời Liên Xô cũ, công tác tìm kiếm thiết bị/ phụ kiện thay thế gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, quá trình vận hành lâu năm, dẫn tới việc cuộn dây stator của máy phát xuất hiện nhiều điểm hư hỏng cách điện do hiện tượng phóng điện cục bộ PD (Partial Discharge) gây ra.
Ngày 31/05/2023, Trung tâm điều độ hệ thống Điện Quốc gia (A0) – nay là Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện Quốc gia (NSMO) có văn bản số 1880/ĐĐQG-TTĐ về việc vận hành các NMTĐ khi mực nước hồ (MNH) giảm thấp. Theo đó, nhu cầu phụ tải từ tháng 04/2023 đến nay tăng cao trong khi lưu lượng nước về các hồ thủy điện trên phạm vi cả nước không thuận lợi, đã phải huy động tối đa các loại nguồn điện, trong đó, đã huy động đến các tổ máy nhiệt điện chạy dầu. Trong thời gian tới, phụ tải hệ thống vẫn có nhu cầu tăng cao khi bước vào thời kỳ cao điểm nắng nóng, nên A0 đề nghị các Đơn vị phát điện nghiên cứu giải pháp vận hành các tổ máy với MNH dưới mực nước chết để đảm bảo cung cấp điện an toàn, tin cậy hệ thống điện quốc gia.
Từ một số vấn đề như trên cho thấy: để tránh ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, vận hành của Nhà máy, tối ưu vận hành công suất nhà máy và mực nước vận hành là điều cần thiết. Do vậy, để đảm bảo công tác vận hành được an toàn, ổn định, cần tiến hành thực hiện công tác khảo sát, đánh giá đề xuất giải sửa chữa nâng cấp – Nhà máy Thủy điện Thác Mơ.
Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 3 (PECC3) là đơn vị Tư vấn của Chủ đầu tư, tham gia phối hợp cùng các chuyên gia kỹ thuật trong và ngoài nước. Vai trò của PECC3 trong dự án là thực hiện công tác khảo sát, lập báo cáo đánh giá tổ máy phát H2 (năm 2023) và tổ máy phát H1 (năm 2024), cụ thể như sau:
– Thu thập dữ liệu (lý lịch thiết bị, tài liệu thiết kế/ chế tạo/vận hành,…)
– Khảo sát kỹ thuật tại hiện trường gồm: hiện trạng thiết bị qua kiểm tra bằng trực quan (máy phát, máy biến áp, turbine thủy lực) và công tác giám sát thực hiện các thí nghiệm liên quan đến máy phát và máy biến áp.
– Tham luận kết quả đánh giá cùng các chuyên gia nước ngoài (Máy phát, Turbine), chuyên gia trong nước (Máy biến áp) và kinh nghiệm tu sửa, thay thế của các nhà máy thủy điện khác nhằm đưa ra các giải pháp tối ưu cho chủ đầu tư lựa chọn.
– Lập báo cáo đánh giá hiện trạng thiết bị, tư vấn các giải pháp (sửa chữa/thay thế/ nâng công suất) và dự toán chi phí của từng giải pháp.
Báo cáo kết quả đánh giá các tổ máy phát do PECC3 thực hiện đã góp phần mang lại cho Chủ đầu tư góc nhìn tổng thể về tình trạng kỹ thuật các thiết bị vận hành trong nhà máy. Qua đó, Chủ đầu tư có thể lựa chọn các giải pháp tối ưu phù hợp tài chính, đảm bảo vận hành hiệu quả, an toàn và ổn định trong tương lai.