Công Ty Cổ Phần Tư Vấn Xây dựng Điện 3 - Giải pháp tốt nhất cho lựa chọn tốt nhất
Chọn ngôn ngữ:
cancel
Thứ sáu, 11/10/2024 | Xem bài viết Tiếng Anh

Ban hành Nghị định 115 Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất

Theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện 8 (ban hành theo Quyết định số 262/QĐ-TTg ngày 1/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050). Theo đó, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc lựa chọn chủ đầu tư các dự án điện theo quy định của pháp luật. Đối với các dự án nhiệt điện sử dụng LNG chưa có chủ đầu tư, khẩn trương hoàn thành lựa chọn chủ đầu tư, đẩy nhanh tiến độ lập và trình báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án, hoàn thành trong quý II năm 2025. Hiện nay, Có 13 dự án điện LNG được phê duyệt trong Quy hoạch điện VIII, với tổng quy mô 22.400 MW từ nay đến năm 2030, trong đó có 4 dự án chưa có chủ đầu tư: Thái Bình, Nghi Sơn, Quỳnh Lập, Cà Ná.

Nhằm quy định chi tiết hơn về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án đầu tư công trình điện, Nghị định 115/2024/ND-CP Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất (“Nghị định 115”) đã được Chính phủ ban hành ngày 16/9/2024. Nghị định này quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu, Luật Đất đai về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất, gồm các nội dung: bảo đảm cạnh tranh trong lựa chọn nhà đầu tư; ưu đãi trong lựa chọn nhà đầu tư; chi phí lựa chọn nhà đầu tư; quy trình, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư; quy trình, thủ tục, chi phí, lộ trình đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư qua mạng; cơ sở dữ liệu quốc gia về lựa chọn nhà đầu tư; trường hợp không đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia; phương pháp và tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu; nội dung hợp đồng dự án đầu tư có sử dụng đất; kiểm tra, giám sát hoạt động đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư; xử lý tình huống trong lựa chọn nhà đầu tư; Các biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất; Điều kiện về năng lực, kinh nghiệm của thành viên tổ chuyên gia, tổ thẩm định; kết nối, chia sẻ thông tin giữa Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia với các hệ thống thông tin khác; xử lý vi phạm trong hoạt động đấu thầu. Nghị định 115 cũng quy định sửa đổi bổ sung một số Nghị định liên quan.

img 11102024

Ảnh minh họa

Liên quan đến đầu tư công trình năng lượng, theo điểm i, khoản 2, Điều 4 dự án đầu tư xây dựng công trình năng lượng thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật về điện lực khi có từ 02 nhà đầu tư trở lên quan tâm cùng đăng ký thực hiện thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật về đất đai. Nghị định 115, tại Điều 70, bổ sung khoản 6 Điều 3: Nghị định số 137/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện lực và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực, khi có từ 02 nhà đầu tư trở lên quan tâm và đăng ký thực hiện dự án xây dựng công trình năng lượng sử dụng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước để phát triển nguồn điện năng lượng tái tạo hoặc nguồn điện sử dụng khí thiên nhiên, LNG, thì phải thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, trừ một số trường hợp như: Dự án thuộc trường hợp Nhà nước độc quyền theo quy định của pháp luật về điện lực; Dự án được đầu tư theo phương thức đối tác công tư và đầu tư công; Dự án trong danh mục thuộc kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 05 năm của doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập; Dự án thủy điện mở rộng, điện gió ngoài khơi, nguồn điện tự sử dụng (tự sản tự tiêu) và Dự án điện lực khẩn cấp theo quy định.

img 11102024 001

Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, khi thực hiện đấu thầu đối với dự án đầu tư xây dựng công trình năng lượng, hồ sơ mời thầu bao gồm cả dự thảo hợp đồng mua bán điện được thống nhất với bên mua điện theo quy định của pháp luật về điện lực (khoản 1, Điều 14). Bên mời thầu phải công bố giá điện trong hồ sơ dự thầu của nhà đầu tư khi mở thầu (điểm d, khoản 2, Điều 19). Việc đánh giá hồ sơ dự thầu đối với dự án năng lượng quy định tại Nghị định này căn cứ theo Điểm tổng hợp được xây dựng trên cơ sở kết hợp giữa điểm năng lực, kinh nghiệm, điểm phương án đầu tư kinh doanh và điểm hiệu quả đầu tư phát triển ngành, lĩnh vực, địa phương, bảo đảm tổng tỷ trọng là 100%, trong đó năng lực, kinh nghiệm chiếm tỷ trọng từ 5% đến 10% tổng số điểm; phương án đầu tư kinh doanh từ 5% đến 10%; và hiệu quả đầu tư phát triển ngành, lĩnh vực, địa phương chiếm tỷ trọng từ 80% đến 90% (khoản 4 Điều 45). Tiêu chuẩn đánh giá về hiệu quả đầu tư phát triển ngành, lĩnh vực, địa phương là mức trần giá điện dưới trần khung giá do Bộ Công Thương ban hành và nguyên tắc giá được thống nhất với bên mua điện theo quy định của pháp luật về điện lực trong hồ sơ mời thầu (khoản 2, Điều 49). Hợp đồng được ký kết trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành được tiếp tục thực hiện theo quy định của hợp đồng. Trường hợp pháp luật tại thời điểm ký kết hợp đồng không có quy định thì thực hiện theo quy định của Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15 và Nghị định này.

Page top