Công Ty Cổ Phần Tư Vấn Xây dựng Điện 3 - Giải pháp tốt nhất cho lựa chọn tốt nhất
Chọn ngôn ngữ:
cancel
Thứ hai, 28/06/2021 | Xem bài viết Tiếng Anh

Áp dụng tiêu chuẩn nước ngoài trong hoạt động Xây Dựng- những thay đổi trong Nghị Định 15/2021/NĐ-CP

Nghị định 15/2021/NĐ-CP quy định chi tiêt một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng được ban hành và có hiệu lực từ ngày 3/3/2021. Bài viết này so sánh quy định về việc áp dụng tiêu chuẩn nước ngoài nêu trong điều 8 của nghị định 15/2021/NĐ-CP trên cơ sở đối chiếu với các quy định nêu trong điều 6 của nghị định 46/2015/NĐ-CP trước đây.

1.  VIỆC  ÁP DỤNG TIÊU CHUẨN NƯỚC NGOÀI

A.    ĐIỀU CHỈNH CƠ SỞ PHÁP LÝ

Trong Nghị định 46/2015/NĐ-CP trước đây, việc áp dụng tiêu chuẩn “phải tuân thủ các quy định tại Điều 6 Luật Xây dựng và tuân thủ các quy định có liên quan do Bộ Xây dựng ban hành.

Trong nghị định 15/2021/NĐ-CP việc lựa chọn, áp dụng tiêu chuẩn nước ngoài phải tuân thủ “các quy định của Luật Xây dựng và quy định của pháp luật khác có liên quan”. Đây là điểm thay đổi khi so sánh với Nghị định 46/2015/NĐ-CP.

B.    ĐƠN GIẢN HÓA ĐIỀU KIỆN ÁP DỤNG

Trong Nghị định 46/2015/NĐ-CP trước đây, có ít nhất 3 tài liệu phải trình để được phê duyệt cho việc áp dụng tiêu chuẩn nước ngoài bao gồm:

  • Bản thuyết minh về sự cần thiết phải áp dụng
  • Toàn văn tiêu chuẩn dưới dạng tệp tin hoặc bản in
  • Bản dịch tiếng Việt hoặc tiếng Anh cho phần nội dung sử dụng.

Với quy định cũ này thì Chủ đầu tư (cùng với Tư vấn/ Nhà thầu/Nhà cung cấp) phải lập hồ sơ trình cho cấp quyết định đầu tư phê duyệt từng tiêu chuẩn nước ngoài định áp dụng. Trong hồ sơ phải có báo cáo so sánh tiêu chuẩn nước ngoài dự định áp dụng với các tiêu chuẩn Việt Nam tương đương, kèm theo lý do của việc không áp dụng tiêu chuẩn Việt Nam. Quy định nộp “toàn văn tiêu chuẩn” cũng tạo ra vấn đề vi phạm bản quyền trong trường hợp các bên đã mua tiêu chuẩn gốc từ tổ chức quốc tế, tổ chức nước ngoài trong đó quy định không được phép cung cấp sao chụp. Việc cung cấp bản dịch tiếng Việt/ tiếng Anh đối với tiêu chuẩn gốc từ tiếng nước ngoài (VD: Nga,Pháp, Hoa, Đức, Nhật, …)  cũng tạo ra gánh nặng, tốn thêm thời gian và chi phí cho các bên.

Đến Nghị định 15/2021/NĐ-CP, yêu cầu bắt buộc duy nhất đối với việc áp dụng tiêu chuẩn nước ngoài là: “Trong thuyết minh thiết kế xây dựng hoặc chỉ dẫn kỹ thuật (nếu có), phải có đánh giá về tính tương thích, đồng bộ và sự tuân thủ với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia”.  Điều này có nghĩa là chỉ cần bổ sung 1 chương thuyết minh đánh giá tổng quát trong thiết kế xây dựng hoặc chỉ dẫn kỹ thuật mà không cần kèm những tài liệu phức tạp như Nghị định 46/2015/NĐ-CP. Điều này giúp rút ngắn thời gian và giảm chi phí không cần thiết trong việc áp dụng tiêu chuẩn nước ngoài.

C.    Khuyến khích áp dụng tiêu chuẩn nước ngoài đã được thừa nhận và áp dụng rộng rãi

Trong điểm b), khoản 2, Điều 8 của Nghị định 15/2021/NĐ-CP lần đầu tiên đề cập đến việc “Ưu tiên sử dụng các tiêu chuẩn nước ngoài đã được thừa nhận và áp dụng rộng rãi”. Đây là một điểm mới tiến bộ, tiến gần hơn với chính sách của Nhà nước về phát triển hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn nêu trong Điều 7 và Điều 8 của Luật quy chuẩn và tiêu chuẩn kỹ thuật: “Khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật” và “khuyến khích mở rộng hợp tác với các quốc gia, vùng lãnh thổ, tổ chức quốc tế, tổ chức khu vực, tổ chức, cá nhân nước ngoài về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật

2.   VIỆC ÁP DỤNG VẬT LIỆU CÔNG NGHỆ MỚI

A.    Điều chỉnh nguyên tắc áp dụng

Với vật liệu, công nghệ mới lần đầu được áp dụng, trong khi Nghị định 46/2015/NĐ-CP yêu cầu “phải đáp ứng yêu cầu của quy chuẩn kỹ thuật và quy định pháp luật có liên quan” thì Nghị định 15/2021/NĐ-CP chỉ yêu cầu “phải tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tương thích với các tiêu chuẩn có liên quan; đảm bảo tính khả thi, sự bền vững, an toàn và hiệu quả.

B.    Bãi bỏ yêu cầu cung cấp tài liệu chứng minh

Với nghị định 46/2015/NĐ-CP trước đây, để đưa giải pháp kỹ thuật, công nghệ, vật liệu mới lần đầu áp dụng tại Việt Nam, thì phải “cung cấp các căn cứ, tài liệu chứng minh về điều kiện đảm bảo an toàn, hiệu quả và khả thi khi áp dụng để cơ quan có thẩm quyền thẩm định trong quá trình thẩm định thiết kế xây dựng công trình theo quy định của pháp luật về xây dựng”.

Với nghị định 15/2021/NĐ-CP thì điều kiện này đã được loại bỏ, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các bên trong việc triển khai áp dụng vật liệu và công nghệ mới trong hoạt động xây dựng.

Tổng hợp: NGUYỄN NAM TRUNG (Phòng Pháp chế PECC3)

 

Page top