Hướng tới tầm nhìn “EVNPECC3 sẽ trở thành công ty tư vấn và thiết kế chuyên nghiệp hàng đầu tại Việt nam và khu vực, cung cấp dịch vụ chất lượng và uy tín cho khách hàng trong lĩnh vực năng lượng, công nghiệp và cơ sở hạ tầng”, từ năm 2019 Chi nhánh Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 3 (PECC3) – Xí nghiệp Kháo sát và xây dựng điện đã đưa vào sử dụng thiết bị Radar xuyên đất (GPR/Georadar) để khảo sát, thăm dò các công trình ngầm phục vụ công tác thiết kế các tuyến đường dây điện ngầm hóa, các Trạm biến áp. Đây là công nghệ khảo sát hiện đại, tiên tiến chưa phổ biến nhiều ở trong nước vào thời điểm đó.
GPR/Georadar là phương pháp kiểm tra không phá hủy có độ phân giải cao, dựa trên cơ sở là sự phản xạ của sóng điện từ khi gặp các dị vật hoặc tại các ranh giới giữa các môi trường, là giải pháp công nghệ hiệu quả nhất hiện nay trong công tác dò tìm và bản đồ hóa công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật ngầm như đường ống, dây cáp…. với các ưu điểm:
Công nghệ này đặc biệt phù hợp với công tác khảo sát, thăm dò công trình ngầm tại các khu đô thị, các khu công nghiệp, khu dân cư đông đúc… khi không phải đào, khoan gây mất thẩm mĩ đô thị.
Thiết bị Georadar được PECC3 sử dụng là model Opera Duo – cấu hình 4 bánh xe đẩy tay, với ăngten tần số kép 250 và 700 MHz (có màn chắn), do hãng IDS Georadar (Italia) sản xuất. Hệ thống radar xuyên đất gồm có: nguồn cấp điện, khối điều khiển, ăng ten phát, ăng ten thu, thiết bị hiển thị và ghi dữ liệu, các cáp kết nối.
Nguyên lý hoạt động: sóng điện từ phát ra từ một Ăngten phát dưới dạng xung, lan truyền trong vật chất với vận tốc được quyết định chủ yếu bởi tính chất điện của vật liệu. Khi sóng lan truyền vào vật chất bên dưới mặt đất, nếu nó gặp các bất đồng nhất hoặc các mặt ranh giới giữa các môi trường có tính chất điện khác nhau, một phần năng lượng sóng sẽ phản xạ hoặc tán xạ trở lại mặt đất trong khi phần năng lượng còn lại tiếp tục di chuyển xuống phía dưới. Sóng phản xạ lại được ghi nhận bởi ăng ten thu và lưu trữ trong bộ nhớ của thiết bị để sử dụng cho việc xử lý và phân tích về sau.
Tín hiệu thu về được hiển thị trên laptop (giao diện tiếng Việt) kết nối với thiết bị trong quá trình khảo sát được giải đoán trực tiếp tại thực địa, kết hợp với các dấu hiệu trên địa hình và hồ sơ hoàn công thu thập từ các đơn vị chủ quản của hệ thống công trình ngầm trong phạm vi khảo sát cho ra kết quả chính xác, trực quan.
Kinh nghiệm khảo sát thực tế cho thấy, điều kiện lý tưởng để khảo sát là là lúc thời tiết mát mẻ, không mưa, vắng phương tiện lưu thông trên đường. Ngoài ra, độ dẫn điện của môi trường khảo sát càng cao thì càng làm cho tín hiệu radar khó xuyên qua, điển hình là đất sét ngậm nước, nước biển… Ngược lại, môi trường khảo sát có độ dẫn điện thấp là điều kiện lý tưởng để khảo sát như không khí, đá hoa cương khô, đá vôi khô, bê tông, bê tông nhựa….
Do tín hiệu khảo sát chỉ cho biết loại công trình ngầm, tính chất vật liệu (ống nhựa, ống kim loại, cáp điện, cống bê tông, cống hộp…), độ sâu tại đỉnh của các công trình ngầm so với mặt đường hoặc mặt đất nên cần phối hợp với hồ sơ hoàn công của các công trình ngầm để bổ sung thêm thông tin về kích thước, cơ quan chủ quản, cấp công trình… cũng như bổ sung các vị trí phức tạp mà thiết bị khảo sát bị hạn chế khả năng khảo sát, thăm dò.
Kết quả khảo sát, thăm dò công trình ngầm đóng vai trò then chốt đối với công tác điều chỉnh hướng tuyến, giảm thiểu thiệt hại đối với các công trình ngầm hiện hữu trong quá trình giải phóng mặt bằng và thi công sau này.
Tính đến thời điểm này, đã có 06 dự án được PECC3 thực hiện khảo sát, thăm dò công trình ngầm bằng công nghệ GPR/Georadar, trải dài từ Đà Nẵng vào TP. Hồ Chí Minh, bao gồm các khách hàng trong và ngoài EVN. Hình ảnh một số công trình mà PECC3 đã thực hiện khảo sát, thăm dò công trình ngầm:
Điển hình là dự án Nhánh rẽ trạm 220kV Tân Sơn Nhất, chủ đầu tư là Ban quản lý lưới điện Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là dự án được triển khai BIM, bao gồm cả số liệu đầu vào của công tác khảo sát. Toàn bộ dữ liệu khảo sát, thăm dò công trình ngầm của dự án này cùng với dữ liệu khảo sát địa hình trên bề mặt được chuẩn hóa bằng phần mềm Civil 3D, thực hiện xây dựng các mô hình độ cao số, tái hiện lại hệ thống giao thông, nhà cửa, cây xanh, các lớp địa chất, các công trình ngầm … trong phạm vi khảo sát.
Với quyết tâm thực hiện thành công Sứ mạng và Tầm nhìn của mình, PECC3 ngày càng nỗ lực tìm tòi, khám phá, ứng dụng những thành tựu công nghệ mới vào tất cả các lĩnh vực hoạt động, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, tiết kiệm chi phí với mục tiêu “Lấy khách hàng làm trung tâm”; Gia tăng sự trải nghiệm của khách hàng đối với sản phẩm và dịch vụ của PECC3.
Bùi Sỹ Thắng