Hiện nay có nhiều định nghĩa về BIM khác nhau trên thế giới. Tuy nhiên BIM có thể
hiểu là “việc sử dụng các tiến bộ của công nghệ thông tin để số hoá các thông tin của công trình thể hiện thông qua mô hình không gian ba chiều (3D) nhằm hỗ trợ quá trình thiết kế, thi công, quản lý vận hành công trình”. Việc áp dụng BIM trong quá trình thiết kế nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm thiết kế; tăng cường quá trình trao đổi thông tin giữa cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng, chủ đầu tư, tổ chức tư vấn, nhà thầu thi công xây dựng; trong quá trình thi công xây dựng nhằm hỗ trợ xây dựng phương án tổ chức thi công, tổ chức và quản lý các nguồn lực trong quá trình xây dựng, kiểm soát chất lượng xây dựng; trong quá trình nghiệm thu, bàn giao đưa công trình vào sử dụng nhằm hỗ trợ quá trình nghiệm thu, phục vụ cho giai đoạn quản lý, vận hành công trình xây dựng.
Vào năm 2021, với công trình thiết kế BIM 3D cho dự án “Trạm biến áp 110kV Mỹ Phước 3 và đường dây đấu nối, tỉnh Bình Dương” PECC3 đã xuất sắc đạt giải nhất Việt Nam về dự án xây dựng thế giới bền vững tại Lễ trao giải đổi mới sáng tạo Đông Nam Á 2021 của Autodesk, việc đạt được giải thưởng mang tầm khu vực này đã mang lại nguồn khích lệ về mặt tinh thần to lớn cho nhóm kỹ sư trẻ của PECC3 tiến hành tự nâng cấp kỹ năng tay nghề của mình để từng bước tìm tòi, học hỏi, phát triển nhằm đem đến cho khách hàng những phiên bản cao cấp hơn trong công nghệ BIM.
Sau 01 năm phát triển, tự tin với sự nhiệt huyết của các kỹ sư trẻ, PECC3 đã thực hiện bước đi đột phá từ BIM 3D tiến lên BIM 5D. BIM 5D (3D + Dự toán), là mô hình được lập để dự toán các khoản chi phí cũng như kiểm soát nguồn vốn được đầu tư cho mỗi công trình.Việc áp dụng BIM 5D vào quá trình thiết kế sẽ đáp ứng được việc tính toán bốc tách khối lượng, đáp ứng được tính chính xác trong việc lập dự toán ở từng giai đoạn thiết kế, ngoài ra việc kiểm soát khối lượng sẽ chính xác và chi tiết hơn so với BIM
Công trình được PECC3 áp dụng thực hiện, thiết kế BIM 5D là “Trạm biến áp 220kV Chân Mây và đường dây đấu nối”, đây là công trình cấp điện áp 220kV với quy mô lớn, vì thế việc quản lý bóc tách khối lượng của dự án được dự đoán là rất phức tạp.
Tuy nhiên, với sự chuẩn bị kỹ càng từ giai đoạn đầu, công tác áp dụng BIM 5D cho Dự án không gặp nhiều trở ngại, việc bóc tách khối lượng phần Điện và Xây dựng diễn ra một cách hoàn hảo. Khối lượng thiết bị của toàn dự án hoàn toàn được thực hiện thống kê một cách tự động với sự chính xác cao ví dụ như khối lượng dây dẫn, số lượng của bu long, móng và giá đỡ…, điều mà ở giai đoạn 2D các kỹ sư của PECC3 phải thực hiện thống kê một cách thủ công.
Ngày 17/03/2023, tại văn bản số 258/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Lộ trình áp dụng Mô hình thông tin công trình (BIM) trong hoạt động xây dựng. Một trong những điểm đáng chú ý tại văn bản trên là việc phê duyệt Lộ trình áp dụng Mô hình thông tin công trình BIM vào các dự án xây dựng mới bắt đầu từ năm 2023. Vì thế, việc thực hiện áp dụng công nghệ BIM 5D trong công tác thiết kế ngay từ giai đoạn này của PECC3 là một hướng đi đón đầu xu thế thiết kế và hoàn toàn phù hợp với tầm nhìn chung của Chính Phủ.Điều này sẽ giúp các nhà đầu tư, các khách hàng của PECC3 nhận được những sản phẩm thiết kế chất lượng và có tính hiện đại hóa cao.
Ngoài ra, việc cải tiến chất lượng sản phẩm từ 3D lên 5D là minh chứng cho sự “Học hỏi – Phát triển”, một trong những giá trị cốt lõi mà PECC3 hướng đến nhằm mang lại những sản phẩm với công nghệ tốt nhất cho khách hàng.