Công Ty Cổ Phần Tư Vấn Xây dựng Điện 3 - Giải pháp tốt nhất cho lựa chọn tốt nhất
Chọn ngôn ngữ:
cancel
Thứ năm, 19/08/2021 | Xem bài viết Tiếng Anh

Kinh nghiệm từ Vương quốc Anh trong đấu thầu năng lượng tái tạo

Với tinh thần “Sharing is caring”, phiên thứ 3 của Chuỗi hội thảo “Kinh nghiệm quốc tế trong đấu thầu dự án năng lượng tái tạo” (IEREA2021) do PECC3 phối hợp cùng Trung tâm hỗ trợ đấu thầu thuộc Cục Quản lý đấu thầu – Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức đã diễn ra vào 15h chiều ngày 19/08/2021. Nội dung phiên hội thảo nói về Kinh nghiệm của Vương quốc Anh trong đấu thầu dự án năng lượng tái tạo.

IEREA-20210819-01

Mở đầu chương trình, ông Trần Quốc Điền – Phó TGĐ PECC3 – thay mặt cho Ban tổ chức phát biểu chào mừng phiên hội thảo với lời cảm ơn gửi đến đại diện Đại sứ quán và các chuyên gia Anh Quốc, đồng thời là đại diện các Bộ, Ngành và doanh nghiệp tham gia. Ông nhấn mạnh thông điệp để đạt được mục tiêu Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 thì sự hợp tác và hành động mạnh mẽ từ các quốc gia là yếu tố quan trọng để cả thế giới cùng hoà nhập đồng điệu hơn, như lời bài hát của John Lenon.

IEREA-20210819-15

TS. Phạm Nguyên Hùng – Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương – cung cấp các thông tin về thực trạng nguồn cung năng lượng tại Việt Nam và chính sách phát triển các nguồn cung năng lượng mới, năng lượng sạch. Nhờ vậy mà hiện nay tại Việt Nam đã có một số kết quả khá tốt như đạt 17GW điện năng lượng tái tạo (NLTT), giúp giảm các tiêu cực do các nguồn năng lượng than, dầu khí mang lại, thúc đẩy kinh tế của các vùng khó khăn. Ước tính với nguồn vốn hơn 15 tỉ USD đầu tư cho các dự án NLTT từ trong và ngoài nước, việc thực hiện Nghị quyết 55 với mục tiêu gia tăng NLTT cung ứng nguồn năng lượng và phát triển bền vững sẽ được hoàn thành tốt. Theo kinh nghiệm thế giới, giai đoạn đầu khi NLTT còn mới mẻ và tốn chi phí hơn so với các năng lượng truyền thống thì Chính phủ đã hỗ trợ về giá và các chính sách nhằm hỗ trợ, thu hút các nhà đầu tư, tiết kiệm thời gian chi phí, giúp NLTT hiện đã đạt đến trên ¼ tổng công suất điện cả nước. Ông mong muốn các chuyên gia có thể hỗ trợ cho những nhà hoạch định chính sách, Cục Điện lực – Bộ Công Thương để xây dưng khung chính sách đấu thầu các dự án NLTT với giá cạnh tranh và cơ chế phát triển bền vững.

IEREA-20210819-03

Ông Sam Wood – Phó Tổng lãnh sự Vương quốc Anh tại Tp. Hồ Chí Minh kiêm Đại diện thương mại và đầu tư – tiếp nối phần phát biểu. Ông cho rằng dù Covid đang diễn ra nhưng đây là thời điểm phù hợp cho Việt Nam để thực hiện chuyển giao cơ cấu và công nghệ cho Năng lượng sạch. Chính phủ Anh Quốc rất quan tâm đến vấn đề này, nên sự kiện “Kinh nghiệm quốc tế trong đấu thầu dự án năng lượng tái tạo” được tổ chức rất kịp thời để đáp ứng. Ông tin tưởng rằng Chính phủ Việt Nam có mục tiêu rõ ràng và định hướng cụ thể cho mảng năng lượng tái tạo. Chính phủ Anh Quốc mong muốn Việt Nam có thể tăng tốc mạnh mẽ hơn trong việc  chuyển đổi từ nhiệt điện than sang năng lượng sạch. Cục Đầu tư Thương mại Quốc tế của Anh cũng đã làm việc với EVN để hỗ trợ kỹ thuật và các doanh nghiệp Anh Quốc cũng dành nhiều quan tâm cho thị trường Việt Nam. Ông hy vọng rằng Việt Nam sẽ khai thác được các nguồn sản xuất năng lượng sạch, có được khung chính sách bền vững. Ông cũng vui mừng khi buổi hội thảo hôm nay có chủ đề rất hữu ích, cũng như sự tham gia của các công ty có nhiều kinh nghiệm của Anh Quốc.

IEREA-20210819-04

Bài trình bày đầu tiên về chính sách nguồn điện NLTT ở Anh được trình bày bởi Ông Joshua Roebuck – Trưởng ban chiến lược và chính sách, Bộ Thương mại, Năng lượng và chiến lược công nghiệp Anh – đã tóm tắt lại toàn bộ giai đoạn thực hiện chuyển mình sang NLTT của Anh từ năm 1999 đến nay. Trong đó, ông tập trung vào hợp đồng chênh lệch (CfD) để mọi người hiểu được bối cảnh vì sao Anh Quốc thực hiện chính sách chuyển dịch như thế. Chính phủ Anh đã rất quan tâm đến NLTT và đặc biệt chuyển mình mạnh mẽ từ năm 2015, song hành với các mục tiêu phát triển bền vững và chống biến đổi khí hậu. Anh Quốc tạo ra cơ chế hấp dẫn cho các nhà đầu tư tham gia phân khúc dự án tầm trung, và đặc biệt sự chủ động của chính phủ trong việc đưa ra các chiến lược phát triển và mục tiêu của từng năm. Đó là các yếu tố mang đến thành công hiện tại nhằm phát triển bền vững và đảm bảo lợi ích cho các nhà đầu tư.

IEREA-20210819-05

Với từng cấp quy mô dự án thì Anh Quốc dùng từng cơ chế khác nhau, trong đó riêng các dự án quy mô lớn thì Anh Quốc sử dụng cơ chế RO (nghĩa vụ khi tham gia sản xuất NLTT) và sau đó là CfD và đấu thầu. Ông giới thiệu chi tiết về CfD tại Anh với cơ chế giá xác định (giá đảm bảo từ chính phủ) và chênh lệch so với giá xác định sẽ được chính phủ viện trợ (khi giá thị trường thấp hơn) và doanh nghiệp trả ngược lại cho chính phủ (khi giá thị trường cao hơn). Về quy trình đấu thầu, Anh Quốc luôn có hạn mức ngân sách và toàn bộ các dự án nằm trong tổng ngân sách cho phép đều sẽ được chấp thuận. Sau một thời gian áp dụng CfD đã có những dự án có giá rất thành công (giá thấp và đảm bảo chất lượng). Ông cũng hy vọng Việt Nam có thể chuyển hẳn sang NLTT thay vì nhiệt điện. Một số khuyến nghị cho Việt Nam rút kinh nghiệm từ Anh Quốc là (1) xác định được mục tiêu phát triển dài hạn NLTT từ sớm; (2) tích hợp hệ thống giữa nguồn và lưới truyền tải và (3) sự linh hoạt trong khung pháp lý và các mục điều chỉnh để phục vụ phát triển dài hạn đáp ứng được các biến động của thị trường.

IEREA-20210819-06

Bài trình bày tiếp theo đề cập cụ thể hơn đến cách thức thực hiện hợp đồng CfD của LCCC, được chia sẻ bởi ông Neil McDermott – Giám đốc điều hành của Công ty quản lý hợp đồng phát thải thấp (LCCC) và Công ty quản lý công suất dự phòng (ESC). Ông bắt đầu bằng việc giới thiệu mục đích hoạt động của LCCC khi vừa là doanh nghiệp vừa có ban điều hành thuộc chính phủ. LCCC giúp phụ trách thực hiện các hợp đồng CfD sao cho giá xác định được thấp nhất, phục vụ cho chi tiêu của người dân. Đồng thời, LCCC giúp lường trước các thay đổi trong tương lai, hướng tới mục tiêu Net Zero không còn khí thải nhà kính, tương đương loại bỏ hoàn toàn nhiệt điện than tại Anh.

IEREA-20210819-07

Về cơ chế giá tại Anh, hiện đang có 4 vòng với các mảng công nghệ khác nhau: công nghệ điện gió, điện mặt trời trên bờ; công nghệ điện gió trên đảo xa bờ; công nghệ điện gió đáy biển ngoài khơi. Dự án có hợp đồng CfD được áp dụng khắp nước Anh, kể đến 40 dự án điện gió offshore và 15 dự án onshore. Công suất và sản lượng điện tại Anh trong từng năm cũng được chiếm đa số bởi các hợp đồng CfD, trong đó giá của mỗi vòng ngày càng thấp hơn. Về phía nhà đầu tư thì CfD là một công cụ để đảm bảo mức giá xác định, giúp tăng sự tin tưởng của các bên. Sau 8 năm thực hiện CfD thì Anh Quốc càng có thêm nhiều kinh nghiệm và bài học để điều chỉnh cho càng phù hợp hơn với thị trường và bảo vệ được quyền lợi của các nhà đầu tư. Nhận định trong tương lai về CfD của ông: với các dự án có quy mô dù lớn hay nhỏ đều có thể kết hợp CfD và hợp đồng PPA (tuỳ theo năng lực của nhà đầu tư) từ đó tự tin đưa CfD vào phát triển năng lượng sạch vào phát triển dài hạn.

IEREA-20210819-08

Tiếp theo chương trình, ông Sam Rea – Quản lý cấp cao tại Ủy ban giám sát thị trường điện và khí (Ofgem) – trình bày về kinh nghiệm của Ofgem trong việc tư vấn phân bổ các cơ chế chi phí, quản trị rủi ro hoặc hỗ trợ giải quyết giải quyết tranh chấp với từng loại hợp đồng. Đối với giá FiT, các dự án quy mô nhỏ được trợ giá cho lượng điện sản xuất và đẩy vào lưới, vì vậy cần đảm bảo được rủi ro biến động và sản lượng theo kế hoạch. Cơ chế FiT cũng tập trung vào trao quyền, vì vậy việc chọn đơn vị phù hợp để trao quyền cũng là điều đáng lưu ý. Với cơ chế RO, cần quan tâm đến chi phí cao và chứng chỉ ROC cho NLTT, khác với cơ chế FiT. Các nhà phát triển dự án sẽ cần trả thêm kinh phí để có RO mà tại Anh đã có nhiều bài học. Anh Quốc định hướng RO dành cho thị trường mở và tự do hơn, trong đó các bên tham gia có thể dự định được chi phí mà họ phải bỏ ra để có chứng chỉ ROC.

IEREA-20210819-09

Cơ chế OFTO (Sở hữu lưới điện truyền tải ngoài khơi) có tiêu chí quan trọng là  lựa chọn đơn vị có quyền sở hữu, và việc thầu cần được thiết kế để đảm bảo giá điện đến cho người dân được thấp nhất có thể. Lúc này hệ thống lưới, phân phối và quản trị chi phí được quan tâm thiết lập kỹ lưỡng và giám sát liên tục. Cơ chế đấu nối vào mạng lưới truyền tải điện quốc gia cũng rất quan trọng. Khi kết nối với mạng lưới, công suất truyền tải và độ ổn định về mặt kỹ thuật cũng phải đảm bảo đáp ứng được các mục tiêu trên. Ngoài Ofgem, ở Anh có một Hội đồng rà soát cơ chế đấu nối để đảm bảo tính minh bạch và khách quan, hỗ trợ kịp thời cho các bên tham gia. Ông cũng giới thiệu thêm vai trò hỗ trợ kiến thức, kinh nghiệm của UKPack cho các dự án NLTT ở cả phân khúc nhà nước lẫn tư nhân.

IEREA-20210819-10

Đến với Phần thảo luận Q&A, ông Nguyễn Nam Trung – Trưởng phòng Pháp chế PECC3 – điều phối các câu hỏi dành cho Diễn giả:

Chia sẻ những thành công của ông để rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong chặng đường mới này?

Ông Ian Hatton – Chủ tịch & Giám đốc sáng lập, Enterprize Energy: Chúng tôi đã thực hiện một dự án lớn giống như Thăng Long Wind 3400MW tại Anh, Mỹ và nhiều quốc gia khác. Khi làm tại Đài Loan, họ cũng bắt đầu từ giá FiT và sau đó là đấu thầu. Chúng ta không nên đánh đồng giữa các nguồn năng lượng nội địa hoá và năng lượng giá thấp. Chúng tôi đã ưu tiên nội địa hoá nguồn cung ứng, tuy nhiên khi đó chính sách giá của các hạng mục liên quan có thể khác. Tại Việt Nam có những ngành công nghiệp cung ứng được cho châu Âu nên hoàn toàn có thể cung ứng nội địa để khai thác các nguồn lực sản xuất NLTT, ví dụ như giàn khoan, kiến trúc không gian khai thác… Về thời gian và điều khoản hợp đồng trong giai đoạn đấu thầu, tôi nghĩ là có những khác biệt tại Việt Nam là chi phí vốn khá nhiều và trở thành rào cản. Điển hình dự án Thăng Long Wind 3400MW đang rất hấp dẫn các nhà phát triển, song nguồn vốn của dự án quá lớn nên chúng tôi phải thương thảo với các ngân hàng để hỗ trợ vốn. Vì vậy, chi phí cũng là tiêu chí nên được cân nhắc để dự án đủ có lợi nhuận trên theo quy mô công suất. Ban đầu khi đang thực hiện cơ chế FiT, giá theo sản lượng sẽ có lợi thế về mặt công nghệ có sẵn. Tuy nhiên, như câu chuyện tại Thái Lan khi giá FiT bị bắt buộc đi xuống lại là bài học để chúng ta ưu tiên sử dụng các hợp đồng mua bán tại thị trường lớn như Việt Nam. Cuối cùng, sự linh hoạt và điều chỉnh thay đổi theo biến động cần được tham chiếu thường xuyên, ví dụ như Nghị quyết 55 đã xem như đưa Thăng Long Wind vào quy hoạch, nhưng mạng lưới và hệ thống dự trữ đều chưa đáp ứng được cho dự án này. Việc sử dụng các hệ thống dự trữ điện mới như chất lỏng hoặc hydro để dùng và xuất khẩu đi các nước khác có thể hoàn toàn khả thi. Chúng ta cần một thị trường không được phụ thuộc vào dầu và khí đốt nữa, và các quốc gia lớn đều đã chuyển đổi cơ cấu năng lượng của mình.

IEREA-20210819-11

Với sự tham gia của quá nhiều bên thì làm thế nào để hạn chế và xử lý được các rủi ro như chậm trễ trong giấy phép, khởi công, phân bổ đất, sản xuất… và các tình huống ngoài dự đoán như Covid?

TS. Trần Đăng Khoa – Trưởng ban Thị trường điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN): Hiện tại EVN đang có 15GW năng lượng mặt trời gồm cả trang trại lẫn mái nhà, 700MW năng lượng sạch khác và 4GW thuỷ điện vừa và nhỏ đang vận hành. Chúng tôi cũng ký 400 PPAs về điện gió ở gần bờ và ngoài khơi, trong đó có 1000MW đã được ký và 300MW sẽ vận hành vào cuối tháng 11/2021. Tại Việt Nam có một số khác biệt so với khung đấu thầu Anh Quốc, đầu tiên là về đối tượng tham gia. Ở Anh, đơn vị mời thầu là cơ quan chính phủ, còn Việt Nam là cơ quan mời thầu, thực thi theo Luật Đấu thầu. Rủi ro khác cũng được chia đều do nguồn lực đất đai và biển không thuộc nhà đầu tư nên cản trở khi triển khai tại Việt Nam cũng sẽ lớn hơn… Rủi ro về lựa chọn địa điểm và phân bổ địa điểm theo các loại giấy phép khác nhau cần được giải quyết trước khi chuyển giao cho nhà đầu tư, nếu được hoạch định tốt hơn thì các khó khăn sẽ được giải quyết sớm.

IEREA-20210819-12

Làm thế nào để xác định nhu cầu và khối lượng đấu thầu cho các công nghệ khác nhau? Có nên tổ chức đấu thầu cho từng tự án công suất từ vài chục đến vài trăm MW?

Ông Joshua Roebuck – Trưởng ban chiến lược và chính sách, Bộ Thương mại, Năng lượng và chiến lược công nghiệp Anh: Đầu tiên tôi muốn nhấn mạnh: Việt Nam cần làm rõ mong muốn xây dựng hệ thống dài hạn như thế nào. Còn ở Anh, chúng tôi có rất nhiều chương trình để mọi người đều được nắm bắt rõ về số lượng và quy mô các dự án đang được thực hiện, từ đó có lộ trình riêng cho điện gió ngoài khơi với số công suất hay sản lượng còn thiếu. Chúng tôi cũng liên tục tìm giải pháp để đảm bảo hoàn thành đúng thời hạn đề ra. Điều này sẽ phụ thuộc vào cách phân nhóm các dự án theo lĩnh vực và quy mô công suất, nhằm tổ chức đấu thầu khác nhau cho từng nhóm, giúp cạnh tranh hơn và giá sát sao hơn.

Có nên chọn các nhà phát triển theo trình độ chuyên môn và để họ thương lượng giá (trong mức giá trần trước hoặc sau khi công bố)? Trong trường hợp nào thì nên giới hạn số đơn vị tham gia?

Ông Neil McDermott – Giám đốc điều hành LCCC và ESC: LCCC không tham gia vào quá trình lựa chọn các bên phát triển dự án và ở trên Joshua cũng đã nói qua quá trình tổ chức thầu. Phía các nhà phát triển phải đảm bảo các tiêu chí đầu vào, nên phía chính phủ cần chuẩn bị việc lập hồ sơ mời thầu và kế hoạch vận hành tốt. Chúng ta cần đơn vị phát triển dự án phải sẵn sàng vốn đầu tư và các nền tảng cho vận hành ngay khi tham gia dự án. Trong 12 tháng ký kết CfD, họ sẽ phải tốn chi phí ký kết các giấy phép và hợp đồng liên quan như 10-15% theo tổng công suất, nguyên vật liệu, bảo trì, xây dựng… Nếu công ty nào không đảm bảo được sự sẵn sàng về chi phí và nguồn vốn đầu tư thì LCCC sẽ loại họ khỏi hợp đồng CfD. Lưu ý rằng CfD không dùng mua bán điện trực tiếp nên cần thông qua hợp đồng PPA dựa trên giá tham chiếu, như anh Sam đã trình bày. Ở Anh còn tổ chức đấu giá riêng để xác định vùng đáy biển và phân bổ vào vòng thứ 4 để đấu thầu các dự án điện gió ngoài khơi. Trước khi tham gia vòng này, các giấy tờ cần chuẩn như giấy phép đánh giá môi trường, thiết kế dự án… nhằm giúp cho các bên có nhiều cơ hội tham gia đấu giá hơn.

Những văn bản nào cần được chuẩn hoá bởi quy định hoặc hiệp hội chuyên gia? Để chuẩn bị các tài liệu liên quan đến dự án thì làm thế nào để đối phó với sự thiếu chắc chắn về phát triển lưới hay việc thu hồi đất sử dụng?

Ông Neil McDermott – Giám đốc điều hành LCCC và ESC: Đối với CfD, các đơn vị phát triển sẽ chịu rủi ro về xây dựng và chỉ được thanh toán theo giá thực tiễn sản lượng điện họ sản xuất. Vì vậy các nhà phát triển có thể tự do đàm phán hợp đồng thoả thuận lắp đặt, triển khai, tài chính, trao đổi biểu giá khi đấu thầu v.v.. với các bên khác. Các phần đó sẽ được quy về giá trong hợp đồng mà LCCC phụ trách. Liên quan đến tài chính và tìm kiếm nguồn vốn, các nhà phát triển có thể tìm kiếm các nguồn hỗ trợ khác và được dùng giấy tờ tài liệu liên quan để làm việc. Họ cũng có thể gặp nguy cơ chấm dứt hợp đồng CfD nếu không đảm bảo được các tiêu chuẩn với bên thứ 3 mà họ đàm phán. Trong hợp đồng có các điều khoản bất khả kháng, sử dụng đất, giải phóng mặt bằng… và LCCC có thể hỗ trợ giải quyết. Để hạn chế các tổn thất, nhà phát triển dự án cần làm việc rất chặt chẽ về kỹ thuật vì phía hợp đồng CfD chỉ dựa trên lượng điện năng sản xuất và chi phí xác định mà thôi.

Sau khi đưa ra cơ chế sơ bộ như giá FiT thì có ảnh hưởng đến giá bán buôn hay không?

Ông Sam Rea – Quản lý cấp cao tại Ủy ban giám sát thị trường điện và khí (Ofgem): Theo tôi là giá bán buôn sẽ tăng, nên các bên cung cấp điện năng và người tiêu dùng đều sẽ bị ảnh hưởng. Các yếu tố bên ngoài như môi trường cũng ảnh hưởng và nhìn chung có thể tăng 3-4% giá điện ở phía người dân. Chúng tôi luôn muốn người tiêu dùng được sử dụng điện đủ nhu cầu, với chi phí thấp nhất. Vì vậy chúng tôi quy định một mức giá trần để bảo vệ lợi ích cho người tiêu dùng. Thực tế ở Anh có những doanh nghiệp sẵn sàng chi trả theo biểu giá xanh cho phần giá chênh lệch mà người dân phải chịu, nếu như đó là nguồn điện từ năng lượng tái tạo.

IEREA-20210819-13

Làm sao để đảm bảo tính cạnh tranh trong quá trình đấu thầu? Giá trần nên được tiết lộ thế nào trước hoặc sau quá trình đấu thầu?

Ông Neil McDermott – Giám đốc điều hành LCCC và ESC: Chính phủ sẽ có quy định cho quá trình đấu thầu này. Từ góc nhìn của tôi và các nhà đầu tư, CfD là cơ chế tốt để khuyến khích các bên tham gia, vì có được nhiều đơn vị tham gia mới là mục đích của các cơ chế. Ở Anh có các cơ quan đối tác vận hành và quản lý các hợp đồng CfD giúp tạo ra một thị trường minh bạch và hiệu quả hơn. Tôi cho rằng niềm tin của nhà đầu tư là tiêu chí rât quan trọng để xây dựng được tính cạnh tranh cao hơn. Việc tạo lập CfD cũng cần được phát triển để chứng minh CfD rất phù hợp với thị trường năng lượng hiện tại.

Nhà đầu tư nên đề xuất mức giá xác định hay chỉ tỉ lệ nào đó so với giá trần đã biết hoặc chưa biết? Nên có sự tham gia của các bên tài chính vào quá trình đấu thầu không?

Ông Neil McDermott – Giám đốc điều hành LCCC và ESC: Trong quá trình quản lý mức giá thực hiện thì thầu sẽ được trao cho bên có tiêu chí kỹ thuật, công suất phù hợp và ngân sách sẵn sàng, như Joshua đã đề cập. Các tổ chức tài chính, tín dụng nên tham gia cùng nhà đầu tư để hiểu được vấn đề tài chính của dự án. Họ không cần phải theo sát, nhưng cần có trao đổi với bên phát triển dự án để nắm được tình hình.

Có nên đưa các nhân tố mới, việc làm địa phương, lợi ích cộng đồng… vào yêu cầu của hồ sơ thầu không?

Ông Neil McDermott – Giám đốc điều hành LCCC và ESC: Quy trình ở Anh hiện tại đang được tích hợp các dự án khác nhau để đảm bảo các dự án đáp ứng tiêu chí đấu thầu như: vận hành, cung ứng, cơ sở hạ tầng có thể tạo ra việc làm, lợi ích địa phương, phát triển cơ sở hạ tầng và bảo trì, sửa chữa các nhà máy, hệ thống sản xuất điện. Chúng ta có thể thấy nhiều cơ hội việc làm sẽ được tạo ra để đáp ứng cho sự phát triển của cả hệ thống này.

TS. Trần Đăng Khoa – Trưởng ban Thị trường điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN): Tôi xin góp thêm chút ý kiến vào bình luận của anh Sam và anh Neil về hợp đồng bảo đảm tài chính tại Việt Nam. Chúng ta đều biết, giá thị trường Việt Nam đã được thực hiện nhiều năm rồi, và ở Việt Nam hợp đồng CfD không đủ tính tin cậy để vay vốn ngân hàng. Vì vậy việc chuyển từ giá FiT sang CfD tại Việt Nam đòi hỏi sự nỗ lực lớn và thời gian. Hiện tại Bộ Công Thương đã thảo luận nhiều về quá trình đấu thầu và các cơ chế khác để đẩy mạnh CfD như hợp đồng DPPA. Nước Anh là quốc gia để chúng tôi học hỏi kinh nghiệm về phát triển dự án điện gió ngoài khơi. Chính phủ Anh đã ưu tiên phát triển từ sớm, và trả chi phí khảo sát địa điểm, tình trạng đáy biển, tình hình khí hậu đại dương v.v… cho các nhà đầu tư sử dụng. Một điểm quan trong khác, đường truyền tải điện dưới đáy biển rất khác với trên bờ. Tại Việt Nam chủ yếu truyền tải điện trên bờ và chưa có đường truyền tải điện dưới đáy biển, vì vậy cần tận dụng riêng phân khúc điện trên bờ để đưa ra cơ chế hấp dẫn, cạnh tranh và thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia.

IEREA-20210819-14

Hơn 20 câu hỏi đã được các Diễn giả trả lời bằng văn bản trong tính năng Q&A của hội thảo. Để chúc mừng thành công của phiên hội thảo, bà Vũ Quỳnh Lê – Phó Cục trưởng, Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư – thể hiện sự tâm đắc với nội dung và các bài học từ ngày đầu tiên đến hiện tại. Buổi chia sẻ kinh nghiệm của Vương quốc Anh có những thông tin rất hữu ích. Bà hy vọng rằng quá trình học hỏi này sẽ giúp nhanh chóng xây dựng và đồng thuận các chính sách lớn cho ngành năng lượng tái tạo ở Việt Nam trong thời gian tới.

Ban tổ chức xin trân trọng cảm ơn Nhà tài trợ là Enterprize Energy và ACSV Legal đã hỗ trợ PECC3 và CPS tổ chức thành công buổi hội thảo ngày hôm nay.

Để đăng ký nghe lại phiên hội thảo Đan Mạch, Ấn Độ, Vương quốc Anh cũng như 2 phiên hội thảo tiếp theo về kinh nghiệm của Đức và Hoa Kỳ, xin vui lòng xem chi tiết tại website của chuỗi sự kiện: https://event.pecc3.com.vn

Page top